“CƠ ĐIỆN TỬ” MỘT NGÀNH MỚI CỦA KHOA CƠ KHÍ

Được đăng ngày Thứ năm, 27 Tháng 8 2015 17:11
Viết bởi Trần Quốc Thoại

Cơ điện tử (Mechatronics) là một chuyên ngành mới được khoa Cơ khí xây dựng và đưa vào đào tạo cho năm học 2015 - 2016. Các hệ thống công nghệ trước đây chủ yếu hoạt động trên các kết cấu cơ khí thuần túy kết hợp với các mạch điện tử điều khiển đơn giản, các hệ thống này vận hành để đáp ứng một số thao tác cơ bản. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp sản xuất đòi hỏi có một công nghệ cao uyển chuyển, linh hoạt, thông minh hơn các công nghệ trước đây, chính vì vậy cơ điện tử ra đời.

Trung tâm gia công CNC, một sản phẩm cơ điện tử điển hình

Do vậy, đòi hỏi người vận hành, sử dụng thiết bị cũng phải có kiến thức sâu rộng về các thiết bị đó. Để đáp ứng yêu cầu đó, năm học 2015 – 2016 Khoa Cơ khí – Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc đã mở ngành đào tạo hệ trung cấp nghề “Cơ điện tử”.

Người học chuyên ngành cơ điện tử có khả năng:

Ứng dụng được công nghệ thông tin trong hoạt động nghề; đọc được các bản vẽ kỹ thuật (bản vẽ chi tiết, bản vẽ sơ đồ lắp, bản vẽ sơ đồ nguyên lý); vẽ được sơ đồ hệ thống cơ điện tử có sự trợ giúp của máy tính; lập được kế hoạch và thực hiện lắp đặt, bảo trì, kết nối tổ hợp hệ thống; vận hành được thiết bị trong dây chuyền sản xuất tự động; phát hiện và sửa được lỗi thường gặp của hệ thống cơ điện tử; sử dụng được các phần mềm ứng dụng phục vụ cho chuyên ngành.

Robot hàn trong công nghiệp, một sản phẩm của cơ điện tử

Cơ hội nghề nghiệp và vị trí việc làm

Do cơ điện tử đang được đầu tư phát triển và khả năng ứng dụng của cơ điện tử vào công nghiệp sản xuất là rất rộng, do đó người thuộc chuyên môn cơ điện tử có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Người học có thể làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư vấn, thiết kế, lắp ráp, vận hành, sửa chữa bảo trì bảo dưỡng kiểm tra chất lượng sản phẩm, chuyển giao công nghệ, làm việc trong các doanh nghiệp có sử dụng thiết bị dây chuyền sản xuất công nghệ cao và rô bốt công nghiệp.

 Trần Quốc Thoại-Khoa Cơ khí