MỪNG TẾT ĐỘC LẬP, TƯỞNG NHỚ NGƯỜI

Được đăng ngày Thứ tư, 21 Tháng 8 2019 09:19
Viết bởi Quản trị viên

Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập do chính Người soạn thảo. Bản Tuyên ngôn đôc lập ấy là lời trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể thế giới của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tư do của mình. Đồng thời cũng là lời tuyên bố cho sự ra đời của của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam). Từ mùa thu năm 1945 ấy, ngày 2/9 đã trở thành ngày tết độc lập của dân tộc Việt Nam. Trong không khí tưng bừng chào mừng tết độc lập lần thứ 24 năm 1969, cũng là lúc cả dân tộc Việt Nam phải chịu nỗi đau tột cùng khi vị cha già của dân tộc- Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từ giã cõi đời.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945

          Chuyện kể lại rằng, ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và mọi người xung quanh: Ngày lễ Quốc khánh, Bác sẽ tham dự mươi mười lăm phút. Đúng 9h ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim, các giáo sư, bác sĩ cấp cứu cho Bác. Theo dõi trên máy điện tim thì đúng đến 9h15 tim Bác ngừng đập hẳn. Các anh em, bác sĩ thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong tim Bác đập trở lại. Đến 9h47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói trong nước mắt: Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi. Để nhân dân có thể kỷ niệm lễ Quốc Khánh trong yên tĩnh, Bộ Chính trị quyết định công bố ngày mất của Bác lùi lại một ngày, ngày mùng 3 tháng 9 (sau này vào ngày 2/9/1989 Bộ Chính trị đã công bố lại ngày mất chính thức của Bác).

            Ngày 3/9/1969, khi Đài phát thanh đưa tin về sự ra đi của Bác, trời đất như ngưng lại trong nỗi đau khôn xiết. Từ ngày 3 đến ngày 6/9/1969, dòng người không lúc nào vắng, đội mưa thầm lặng đến lễ đài Ba Đình để viếng Bác. Vòm trời Ba Đình hôm ấy trĩu nặng một nỗi buồn. Những giọt nước mắt hòa lẫn với mước mưa chảy mãi như không bao giờ hết trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân Viêt Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã viết lên những vần thơ thấm đẫm nước mắt:

                                    “ Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

                                    Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa

                                    Chiều nay con chạy về thăm Bác

                                    Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa”

                                                                                                (Bác ơi! Tố Hữu)

Tiếng lòng của nhà thơ Tố Hữu, cũng là nỗi đau chung của cả dân tộc, nỗi đau của cả loài người tiến bộ. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, người dân để tang Bác nhưng có lẽ đối với nhân dân miền Nam, các chiến sĩ niềm Nam da diết và day dứt hơn. Bởi ai cũng cảm thấy ân hận chưa làm xong sứ mệnh được Đảng giao phó. Đó là giải phóng niềm Nam, thống nhất nước nhà, đón Bác vào thăm. Cũng ngay sau khi nghe tin Bác mất, hàng trăm đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã đến Việt Nam viếng Bác với sự thương tiếc và kính trọng vô hạn.

            Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Bác về với các cụ Các Mác, Lênin,    về với thế giới người hiền, thì nỗi tiếc thương và những tình cảm dành cho Người vẫn cháy bỏng trong trái tim người Việt Nam. Toàn dân hân hoan trong niềm vui của mùa thu cách mạng, trong ngày tết độc lập của dân tộc. Người đã đi xa nhưng những tư tưởng, tấm gương đạo đức và tình yêu của Người vẫn còn mãi, soi sáng cho dân tộc đi lên, thực hiện ước nguyện xây dựng nước ta ngày một to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như mong ước của Người trước lúc đi xa.

                                    “ Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

            Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

                                       Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”

                                                                                                ( Bác ơi! Tố Hữu)

 

 

Đặng Phương Diệp - Khoa LLCT