MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NÂNG CAO KỸ NĂNG GIAO TIẾP CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TỀ - KỸ THUẬT VĨNH PHÚC

Ở mọi thời đại lịch sử, vấn đề con người luôn là vấn đề trung tâm của xã hội. Phát triển con người là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ lớn đặt ra đối với các trường đại học và cao đẳng trong xu thế hội nhập và phát triển ở nước ta hiện nay. Trong môi trường dạy học, bên cạnh việc trang bị những tri thức khoa học cần thiết thì việc rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên cũng là vấn đề được quan tâm, thông qua đó hướng tới con người phát triển toàn diện. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp là không thể thiếu và trở thành bí quyết thành công trong môi trường làm việc hiện đại.

            Giao tiếp là nhu cầu thiết yếu trong xã hội loài người. Với học sinh, sinh viên thì nhu cầu giao tiếp chính là phương tiện để họ dần hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, hình thành kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên nói chung, đặc biệt là học sinh, sinh viên trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc nói riêng có ý nghĩa quan trọng quyết định tới sự thành công trong việc đào tạo của nhà trường cũng như thành công của mỗi cá nhân.

            Thực tế, khi mới bước chân vào giảng đường cao đẳng thì khả năng giao tiếp của học sinh, sinh viên chưa hoàn thiện. Trải qua 3 năm học, từng bước các kỹ năng trong giao tiếp của học sinh, sinh viên mới phát triển và hoàn thiện hơn. Đặc điểm của học sinh, sinh viên năm năm thứ nhất thường bỡ ngỡ, lạ thầy, lạ bạn nên trong giao tiếp sẽ mang những biểu hiện rụt rè, ngại giao tiếp, ngại làm quen với bạn mới, môi trường sống mới. Sau một kỳ hay một năm học tình hình có thể được cải thiện nhưng không gian giao tiếp vẫn còn bó hẹp trong phạm vi lớp học. Một số em học ngoại trú chỉ biết đến trường và về nhà, nên có thể sau 3 năm học kỹ năng giao tiếp của các em cải thiện không đáng kể. Trong hoạt động giao tiếp hằng ngày, không ít các em tỏ ra lúng túng, ngại ngùng, xuất hiện tình trạng có những em ngại tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể, dần trở nên khép kín và tự giới hạn khả năng của bản thân. Thực tế cũng cho thấy nhiều học sinh, sinh viên khi đứng lên phát biểu hoặc đại diện nhóm bảo vệ ý kiến trong giờ thảo luận trước lớp diễn đạt không lưu loát, ấp úng… .Vì vậy, việc hình thành kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc là cần thiết, là biện pháp tích cực để các em có thể áp dụng kiến thức của mình vào thực tiễn. Bài viết đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc.

            Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục tự ý thức cho học sinh, sinh viên. Việc tăng cường công tác giáo dục, tự ý thức cho học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc diễn ra chủ yếu trong nhà trường, trong quá trình học tập của các em. Bên cạnh đó, cùng với việc giáo dục của nhà trường, mỗi cá nhân người học cần tự nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của các kỹ năng giao tiếp trong hoạt động thực tiễn… . Mỗi người học sẽ dần trở nên năng động, tự tin giao tiếp hoạt động nghề nghiệp sau khi ra trường.

            Nhà trường nên tạo một số hoạt động chung, thường xuyên có tính chất thiết thực cho các em như các buổi thảo luận và tọa đàm về các chủ đề như: phương pháp học tập ở cao đẳng, giới thiệu về hoạt động nghiên cứu khoa học, cách sử dụng thời gian rảnh rỗi có hiệu quả, tình bạn và tình yêu, tác hại của cờ bạc rượu chè… . Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức các đội thi văn nghệ để cuốn hút học sinh, sinh viên vào các hoạt động lành mạnh bổ ích. Những hoạt động này sẽ làm hạn chế thời gian giao tiếp của các em với những đối tượng mà nhà trường khó quản lý.

            Nhà trường cũng cần có các biện pháp tác động nhằm hình thành các nhóm sinh hoạt nhỏ không chính thức trong học sinh, sinh viên. Bằng cách này nhà trường có thể tác động tích cực tới việc nâng cao kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên cụ thể là sống trong môi trường tập thể, mọi sinh hoạt, cũng như hành động của các em phải phù hợp với cái chung. Các em rèn luyện cho mình cách ứng xử, cách đọc nét mặt, cử chỉ, hành vi, lời nói thông qua giao tiếp hằng ngày với mọi người, dần dần khéo léo trong sử dụng các phương tiện giao tiếp.

            Thứ hai, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên hiểu biết về đời sống xã hội, bên cạnh nâng cao trình độ nhận thức lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, cần tạo động lực cho các em tự trau dồi vốn hiểu biết. Nắm được một cách khái quát nhất tình hình thế giới và trong nước. Có hiểu biết, có vốn từ ngữ phong phú, các em mới có thể tự tin tiến hành giao tiếp thành công.

            Trong điều kiện hiện nay học sinh, sinh viên cần nắm được một số tình hình chung trên thế giới, trong nước như: bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường; những xu thế lớn trên thế giới, tình hình thời sự,… trang bị cho các em vốn hiểu biết, nhãn quan về thành tựu cũng như ứng dụng của khoa học công nghệ. Ở trong nước, qua 25 năm đổi mới đã tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh lớn hơn rất nhiều so với trước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Những năm tới là giai đoạn kinh tế nước ta phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, để phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây là những vốn hiểu biết quan trọng cho học sinh, sinh viên trong môi trường học tập và làm việc sau này.

            Thứ ba, tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia trực tiếp vào hoạt động học tập và đa dạng hóa hoạt động xã hội phong phú, kỹ năng giao tiếp của học sinh, sinh viên dần hoàn thiện trong quá trình học tập trong nhà trường, lao động, các mối quan hệ xung quanh. Trong đó nhà trường là môi trường thuận lợi và là nền tảng để xây dựng cũng như rèn luyện cho các em giáo dục những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Thông qua các hoạt động trong nhà trường, các em dần hình thành nhân cách cũng như giao tiếp của bản thân.

            Ngoài giải pháp hình thành các nhóm sinh hoạt trong học sinh, sinh viên, nhà trường cần tăng cường công tác tổ chức hoạt động ngoại khóa, các tổ chức đoàn thể như: đội tình nguyện xung kích, câu lạc bộ khoa học, câu lạc bộ giải trí,… để thu hút sự tham gia đông đảo của các em trong nhà trường.

            Thứ tư, sự tự rèn luyện của mỗi cá nhân trong việc hình thành kỹ năng giao tiếp, để nâng cao kỹ năng giao tiếp có hiệu quả không chỉ cần có sự tác động bên ngoài từ nhà trường, xã hội mà còn có sự tự nguyện, tự giác, tự ý thức của mỗi cá nhân.

            Từ việc nhận thức đúng đắn vai trò cũng như tầm quan trọng của giao tiếp trong cuộc sống hiện đại, mỗi học sinh, sinh viên phải có ý thức tự thân cố gắng rèn luyện kỹ năng giao tiếp của mình, tích cực hoạt động đoàn thể, học kỹ năng mềm… có như vậy, việc rèn luyện để nâng cao kỹ năng giao tiếp mới thực sự có hiệu quả. Mỗi học sinh, sinh viên không ngừng chủ động trong quá trình giao tiếp, cần chủ động thiết lập những mối quan hệ mới trong môi trường mới. Đồng thời phải chú ý quan sát học hỏi kỹ năng giao tiếp của bạn bè, thế hệ các anh chị đi trước.

            Giao tiếp là một hình thức hoạt động của con người. Thông qua giao tiếp, những mối quan hệ giữa con người với con người được kiến tạo. Sự hiểu biết và nắm vững những quy luật của giao tiếp góp phần làm tăng hiệu quả lao động và điều chỉnh các quan hệ xã hội. Một doanh nhân thành công khi chiếm được sự đồng tình của khách hàng, Một nhà quản lý hiệu quả khi biết nghe nhân viên nói và biết nói nhân viên nghe. Kỹ năng giao tiếp chính là hành trang không thể thiếu được của một người thành công.

 

 

Lường Thị Pó - Khoa LLCT

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440692

      Trang web hiện có: 107 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715