TỰ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: KHÂU THEN CHỐT ĐỂ XÂY DỰNG MỘT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CÓ CHẤT LƯỢNG CAO TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ KỸ THUẬT VĨNH PHÚC

Được đăng ngày Thứ năm, 21 Tháng 11 2019 07:38
Viết bởi Quản trị viên

Tự đánh giá chương trình đào tạo là quá trình cơ sở giáo dục dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo để xem xét, báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan khác làm căn cứ tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

1. Ý nghĩa và mục đích tự đánh giá chương trình đào tạo

- Là hoạt động quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng và xây dựng văn hóa chất lượng bên trong nhà trường. Giúp nhà trường tự rà soát, xem xét, đánh giá thực trạng của chương trình đào tạo, xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, từ đó điều chỉnh mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo theo hướng cao hơn.

- Là điều kiện cần để đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

- Thể hiện tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứ khoa học, dịch vụ xã hội theo hướng chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với sứ mạng và mục tiêu đã được xác định

2. Căn cứ tự đánh giá

- Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 08/06/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và Quyết định số 1229/QĐ-BLĐTBXH ngày 04/8/2017 của Bộ Lao động -TB&XH về việc đính chính Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH.

- Căn cứ Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Căn cứ Thông tư số 454/2019/TCGDNN-KĐCL, ngày 25/03/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đao tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

3. Yêu cầu tự đánh giá

- Đảm bảo đánh giá toàn bộ hoạt động của chương trinh đào tạo, có sự tham gia của tất cả các bộ phận và cá nhân liên quan.

- Đánh giá theo hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo hiện hành và hướng dẫn có liên quan.

- Đảm bảo trung thực, khách quan, đầy đủ minh chứng hợp lệ để chứng minh cho nhận định trong tự đánh giá chất lượng.

- Kết quả tự đánh giá chất lượng được cập nhập vào hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và được lưu trữ vào toàn bộ minh chứng tài liệu liên quan.

4. Tự đánh giá chương trình đào tạo

Căn cứ Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH, ngày 27/12/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Trường Cao đẳng KT - KT Vĩnh Phúc tiến hành tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo năm 2019, các ngành nghề sau:

- Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử

- Công nghệ kỹ thuật cơ khí

- Điện công nghiệp

- Truyền thông và mạng máy tính

- Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa

5. Phương pháp tự đánh giá

- Thu thập tài liệu, thông tin, rà soát các hoạt động của trường, đối chiếu các kết quả đạt được với hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

- Xác định mức độ đạt của các tiêu chuẩn, lập kế hoạch cải thiện các tồn tại để nâng cao chất lượng của nhà trường.

- Đối với mỗi tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo được tiến hành xem xét theo trình tự sau:

+ Mô tả thực trạng;

+ Phân tích, giải thích, so sánh để đưa ra những nhận định đánh giá, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu hoặc thiếu sót;

+ Lên kế hoạch hành động nhằm phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.

6. Quy trình tự đánh giá

- Bước 1: Xác định mục đích, phạm vi tự đánh giá;

- Bước 2: Thành lập Hội đồng tự đánh giá, ban thư ký, các nhóm công tác;

- Bước 3: Lập kế hoạch tự đánh giá, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng nhóm;

- Bước 4: Thu thập thông tin và minh chứng;

- Bước 5: Xử lý, phân tích các thông tin và minh chứng thu được;

- Bước 6: Viết báo cáo tự đánh giá;

- Bước 7: Hoàn thiện báo cáo tự đánh giá;

- Bước 8: Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thiện tự đánh giá

Một trong những lợi ích lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tự đánh giá chương trình đào tạo là chỉ ra được những điểm mạnh và điểm tồn tại của CTĐT, nhờ vậy đơn vị có cơ sở để lập kế hoạch hành động cụ thể nhằm cải tiến, khắc phục những tồn tại, từ đó xây dựng lộ trình phát triển CTĐT theo hướng đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của xã hội. Ngoài ra, nhờ hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài trong công tác kiểm định chương trình đào tạo, các nhà tuyển dụng có một cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, từ các chương trình đào tạo có những tham chiếu chất lượng đã được các tổ chức uy tín công nhận.

Nguyễn Thị Thúy - Phòng TTKT&ĐBCL