TẢN MẠN VỀ TÂM LÝ SINH VIÊN NĂM THỨ NHẤT

Được đăng ngày Thứ sáu, 29 Tháng 11 2019 08:54
Viết bởi Quản trị viên

Sinh viên năm Nhất là khoảng thời gian khó quên đối với mỗi sinh viên, ở đó các bạn phải làm quen với môi trường mới, những môn học mới và tách dần khỏi sự bao bọc của gia đình. Đây chính là khoảng thời gian có nhiều chuyển biến tâm lý đa dạng, phức tạp ở mỗi sinh viên.

Là sinh viên năm thứ nhất - bạn cho rằng mình còn vô số thời gian phía sau, nên cứ từ từ học tập chẳng việc gì phải vội vàng cả. Đây là tâm lý chung thường gặp của tân sinh viên, và cũng trở thành lý do "chính đáng" cho sự lười học. Tuy nhiên, nếu cứ mang trong mình suy nghĩ này việc học của bạn sẽ ngày càng thụt lùi đáng kể.

Không làm chủ được cuộc sống "tự do": Giảng đường của các trường chuyên nghiệp không quá bắt buộc phải đến lớp đầy đủ như cấp 3, … Nếu bạn không tự giác, không thấy được tầm quan trọng của việc học thì sẽ dễ dàng "tự cho phép" mình bỏ tiết học, đôi khi không vì lý do gì cả! Điều đó sẽ ảnh hưởng đến kiến thức, hạ điểm chuyên cần của bản thân.

Và kết quả sẽ ra sao? Sẽ chẳng ai thúc ép bạn học và bạn có thể không nỗ lực trước những kì thi nhưng phải đối mặt với những lần học lại và thi lại. Vậy mới nói, dù là tân sinh viên hay sắp rời xa cánh cổng của trường chuyên nghiệp, đừng bao giờ ngừng học hỏi nâng cao tri thức của bản thân để không phải hối tiếc rằng: "Giá như trước kia mình chăm chỉ học hành hơn thì…!"

Chưa tạo cho mình mục tiêu học tập: Bất cứ việc gì muốn làm tốt cũng cần có mục tiêu, học tập cũng vậy. Và thường thì tâm lý các bạn sinh viên năm nhất đang còn nhiều bỡ ngỡ, với đầy thứ mới mẻ trên giảng đường, chưa tự ý thức được cho mình những mục tiêu nhất định cần hướng tới. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến việc học bị "ngó lơ".

Hãy lập kế hoạch học tập cho năm học mới để tạo động lực học tập. Gạch đầu dòng những việc bạn cần hoàn thành trong kì học này, và thực hiện từng bước, hiệu suất học tập sẽ khả quan trông thấy. Bạn cũng có thể rủ thêm những bạn bè mới quen tham gia vào kế hoạch cho "có hội có thuyền" vừa giúp nhau có tinh thần và cảm hứng học tập, vừa tăng thêm tinh thần đoàn kết bạn bè.

Học hành chăm chỉ, giành kết quả tốt ngay ở những kỳ kiểm tra đầu tiên giúp bạn duy trì sự hứng khởi trong học tập, từ đó giành được những kết quả khả quan trong những năm tiếp theo. Còn nếu chỉ chăm chăm vào việc "xả hơi" sau kì thi đại học, bạn sẽ đối mặt với những môn thi lại, học lại - đây cũng chính là nỗi ám ảnh sinh viên.

Mải mê tham gia tình nguyện: Trên giảng đường của các trường chuyên nghiệp, sinh viên cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia những hoạt động tình nguyện, góp chút sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ cộng đồng. Đặc biệt, các bạn tân sinh viên rất háo hức với những chương trình thiện nguyện. Ai cũng biết những mặt tốt của việc tham gia vào các hoạt động xã hội, nhưng việc lạm dụng và dành quá nhiều thời gian cho nó sẽ khiến cho việc học bị chi phối rất nhiều. Thậm chí, có bạn còn ngó lơ cả việc học, bỏ học để tham gia các hoạt động, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Chính vì thế tân sinh viên cần biết cân bằng giữa việc học và việc tham gia hoạt động xã hội, hoàn thành tốt 2 bên là điều chúng ta cần cố gắng rất nhiều.

Bước chân vào các giảng đường của trường chuyên nghiệp, là cơ hội cho các bạn sinh viên được rèn luyện và chứng minh khả năng sống tự lập với gia đình của mình. Sinh viên phải tự lập học tập và tự kiếm tiền làm thêm nếu sắp xếp được. Tự lập sẽ giúp bạn có được một cuộc sống sinh viên ý nghĩa, đầy trưởng thành.

Có thể nói, sinh viên là quãng thời gian rất đẹp và ý nghĩa đối với những ai từng trải qua, dù có chút thiếu thốn nhưng các sinh viên cần tập tạo cho mình một thái độ lạc quan và rèn luyện sức chịu vất vả. Đối mặt với cám dỗ, khó khăn và thử thách trong cuộc sống từ đó góp phần trau dồi, rèn luyện bản thân ngày một trưởng thành, chín chắn.

Đỗ Cao Cường - Khoa Cơ khí