NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG TRONG NỀN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2019

Theo các số liệu của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm công bố trong buổi họp báo công bố về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 cho thấy kinh tế Việt Nam đã đạt được những con số hết sức ấn tượng trong năm vừa qua. Cụ thể được thể hiện ở một số tiêu chí như sau:

1. GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%

Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%. Về sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%.

Cơ cấu kinh tế năm 2019 cũng có những chuyển biến tích cực với tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống 13,96% GDP, so với mức 14,68% của năm 2018.

Tỉ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91%.

Biểu đồ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 10 năm gần đây

2.  Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD

Năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam thiết lập "kỷ lục mới" với kim ngạch đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% và nhập khẩu đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018.

Như vậy, năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tiếp tục có xuất siêu với 9,94 tỷ USD tỷ USD, vượt xa so với con số kỷ lục 7,2 tỷ USD được thiết lập năm 2018. Đây là thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam.

Đáng chú ý, con số 516,96 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu đã giúp Việt Nam lọt top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới. Xét riêng lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Kết quả này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực và thế giới đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Hơn nữa, kết quả xuất khẩu năm 2019 cũng cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Dự báo năm 2020, xuất khẩu sẽ đối diện với những khó khăn, thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để xuất khẩu tiếp tục bứt phá, tạo ra những "mốc son mới"

3. Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vững danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á" do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với năm trước.  Trong đó, khách đến từ châu Á đạt 14,4 triệu lượt người, chiếm 79,9% tổng số khách quốc tế, tăng 19,1% so với năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 2,2 triệu lượt người, tăng 6,4%; khách đến từ châu Mỹ đạt 973,8 nghìn lượt người, tăng 7,7%; khách đến từ châu Úc đạt 432,4 nghìn lượt người, giảm 1,2%; khách đến từ châu Phi đạt 48 nghìn lượt người, tăng 12,2%.

4. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng cao

Trong năm 2019, cả nước có 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.730,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.254,4 nghìn lao động, tăng 5,2% về số doanh nghiệp, tăng 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Nếu tính cả 2.273 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 40,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là 4.003,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 39,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2019 lên 177,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Nhìn chungtrong bối cảnh tình hình thế giới năm qua biến động phức tạp, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước nên bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đây là tiền đề vững chắc, là hy vọng để bước sang năm 2020 nước ta tiếp tục đạt được những thành tựu mới.

Hoàng Thị Ngọc Lan - Khoa Lý luận chính trị

 

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 119 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715