THÊM MỘT LẦN NÓI KHÔNG VỚI VĂN HOÁ ÉP RƯỢU

Được đăng ngày Thứ sáu, 02 Tháng 10 2020 01:28
Viết bởi Quản trị viên

Không rõ từ bao giờ, rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc vui, ngày hội, đám lễ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong văn hóa ẩm thực, rượu cũng là thức uống tinh tế đầy mỹ vị. Có thể nói, rượu vốn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Thế nhưng dù là nét đẹp văn hóa, nhưng uống thế nào lại là câu chuyện khác. Việc mời mọc nhau theo kiểu ép buộc, uống đến mức say xỉn, không làm chủ được mình là hành vi lạm dụng rượu bia. Điều này khiến văn hóa rượu bia trở nên lệch lạc. Trong các bữa tiệc, người ta chúc nhau rượu, đó không có gì sai nhưng ép uống rượu lại là hại nhau. Người ta cứ ép nhau rượu, nào là chú không uống là coi thường anh, cháu không uống là khinh thường chú, anh không uống là không có thịnh tình, cậu không uống là không nể tôi... Nếu nói ở khía cạnh đạo đức, hành vi thiếu chuẩn mực đó là của những người thiếu văn hóa và là một kiểu văn hóa như một tập tục lạc hậu rất cần lên án.

                          

Minh chứng là theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49. Mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Ước tính trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất/năm, nhiều hơn so với người Trung Quốc và cao gấp 4 lần so với người Singapore.

Trong năm 2020 Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/9/2020), toàn quốc xảy ra 10.354 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người trong đó có tới 40% tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.

Bên cạnh đó còn có việc cán bộ, công chức, viên chức,… sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa ca. Dù việc nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, sự nghiệplạm dụng rượu, bia, uống rượu, bia vào giờ làm việc hoặc nghỉ giữa giờ cũng đã được quy định cụ thể tại Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Thế nhưng, những quy định nghiêm cấm cũng như chế tài xử lý chỉ mang tính chiếu lệ. Chưa có con số thống kê cụ thể và hiếm có ai bị xử lý kỷ luật vì hành vi này, cùng lắm chỉ là nhắc nhở, phê bình, sau đó tiếp tục vi phạm.

Rượu, bia ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công việc. Một số cán bộ, công chức,viên chức uống rượu, bia trong giờ làm việc hay trong giờ nghỉ trưa, chắc chắn dễ buồn ngủ vào buổi chiều, ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiệu quả làm việc của cá nhân và đơn vị. Đấy là chưa kể sự lãng phí rất lớn từ kinh phí phát sinh cho rượu, bia khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách... và cả những hệ lụy phát sinh từ việc không kiểm soát được hành vi do rượu, bia quá đà. Như vậy, cấm rượu, bia trong giờ làm việc vừa chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương công vụ, vừa là giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí. Hơn nữa đối với các cơ quan nhà nước, khi làm việc với người dân, cán bộ công chức Nhà nước nếu có khuôn mặt đỏ bừng, hơi thở có mùi rượu sẽ gây cảm giác thiếu tin tưởng, không hài lòng. Điều này cũng làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ công chức cũng như hình ảnh của chính cơ quan đó.

          

Trước tình hình đó, để tăng cường công tác phòng chống tác hại của rượu, bia và để nhằm chấm dứt tình trạng trên, ngày 28/9/2020 Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong đó quy định các mức xử phạt đối với hành vi ép rượu.

Cụ thể, tại điều 30 quy định: 

Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng.

Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia. 

Các hành vi như uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tâp và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia cũng bị phạt tiền 1-3 triệu đồng

Ngoài ra, tại Điều 34 của nghị định cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng khi không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức; không thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng khi không thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia.

Lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý, điều hành; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người trong cơ quan thực hiện đúng quy định về không được uống, bán rượu, bia tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 117 còn quy định rất rõ mức xử phạt đối với các quảng cáo rượu, bia vi phạm quy định. Những quảng cáo vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng khi sử dụng người chưa 18 tuổi trực tiếp tham gia quảng cáo.

Cùng với đó, cũng sẽ phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu có nồng độ cồn dưới 15 độ và quảng cáo bia có thông tin, hình ảnh khuyến khích uống rượu, bia; thông tin có nội dung, hình ảnh thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.

Có thể thấy Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rất cụ thể về việc xử phạt vi phạm các quy định về uống rượu bia. Từ đó kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Nghị định 117/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.

Trần Thị Thùy Trang - Khoa Lý luận chính trị