TỔNG KẾT NĂM VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một quốc nạn, một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; công tác phòng, chống tham nhũng được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp. Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân.

Trong những năm gần đây, tệ nạn tham nhũng đã có những diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, chính vì thế Đảng ta cũng đã xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ và sự nghiệp đổi mới của đất nước.Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020 vào ngày 12/12Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đãđề nghị quán triệt sâu sắc những bài học quý từ công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua và nhấn mạnh, lưu ý 5 vấn đề trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng thời gian tới:

      

Một, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đây là nhiệm vụ không mới nhưng rất quan trọng, bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất. 

Phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; về sự nguy hại của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm chính, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng. 

Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ vấn đề cốt lõi là Đảng luôn luôn dựa vào nhân dân, lắng nghe nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. 

Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

Phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang.

Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

Hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng". 

Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng.

Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong PCTN. 

Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật. 

Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. 

Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" bởi hai mặt này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. 

Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. 

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý", "lót tay", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Bốn, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm niệm vụ trong giai đoạn mới.

Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa".

Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. 

Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội.

Năm là tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. 

Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin rằng với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.

Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.

Trần Thùy Trang - Khoa Lý luận chính trị

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 287 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715