HÀNH TRANG BƯỚC VÀO NGHỀ ĐIỆN TỬ

Được đăng ngày Thứ tư, 04 Tháng 11 2015 01:22
Viết bởi Quản trị viên

Như chúng ta đã biết nước ta đang phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa chính vì vậy việc học và lựa chọn bất cứ một nghề nào đó thì cũng cần sự cố gắng và nhiệt huyết để học tập và theo đuổi. Nghề điện tử là nghề đôi khi còn sự cố gắng hơn nhiều nghề khác vì đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như sự tìm tòi khám phá từ nhiều thiết bị. Dưới đây là những hành trang cần có và chuẩn bị trước khi bước theo con đường trở thành một kỹ thuật viên điện tử!

*. Sự đam mê và thích thú

Đây là một yếu tố quyết định đến sự thành bại của nghề. Nếu không có niềm đam mê, yêu nghề thì bạn sẽ mau chóng bỏ cuộc trước những kiến thức mới, trước những pan bệnh khó hay chỉ đơn giản là bạn không đủ kiên trì để theo đuổi nghề tới cùng. Không chỉ riêng nghề điện tử, với bất cứ nghề nào cũng đòi hỏi người học giành toàn bộ tâm huyết cho nó thì mới làm được việc. Như chúng ta thấy để trưởng thành được với nghề mình yêu thích thì phải luôn luôn ghi nhớ “Văn ôn, võ luyện” đó là công thức ngàn năm vẫn luôn đúng nếu bạn muốn giỏi về một lĩnh vực nào đó.

*. Kiến thức điện tử cơ bản là "bộ xương" của nghề

Dù có đam mê hay hứng thú thế nào thì cũng không thể thành được nghề nếu thiếu đi những kiến thức cơ bản về nghề của mình. Với nghề điện tử thì có hai cái cơ bản cần nắm rõ đó là "linh kiện điện tử cơ bản" và "mạch điện tử cơ bản". Các linh kiện điện tử là tế bào của một cỗ máy còn các mạch điện tử chính là sự kết nối các linh kiện này theo một dạng nhất định để tạo ra những chức năng chuyên biệt như tạo ra nguồn điện, tạo xung, khuếch đại.

Những linh kiện điện tử cơ bản

Khi nắm vững linh kiện điện tử và những mạch điện tử thì việc học nghề trở nên không quá khó khăn. Một võ sư cần hiểu về tay, chân, mặt, đầu, đầu gối ...còn phải biết cách phối hợp các bộ phận này tạo ra những thế võ chuyên ngiệp. Tương tự như vậy một kỹ thuật viên điện tử khi hiểu rõ linh kiện sẽ biết phối hợp chúng thành những mạch điện khuếch đại, điều khiển , tự động ... để sửa chữa hay thiết kế ra máy nào đó.

*. Cần có một bộ đồ nghề chuyên dụng

Tay không bắt giặc thì võ sư có thể làm được nhưng tay không mà sửa được đồ điện tử thì không có một kỹ thuật viên điện tử nào có thể làm được. Một bộ đồ nghề cơ bản của thợ điện tử bao gồm một túi đựng đồ, mỏ hàn thiếc, đồng hồ vạn năng số, đồng hồ vạn năng chỉ thị  kim, kìm, tô vít, nhựa thông, thiếc, ampe kìm, bút thử điện, các loại lục giác. Tùy theo kinh tế của các bạn mà chọn cho mình những dụng cụ thích hợp. Đồng hồ vạn năng càng đắt tiền thì càng bền và chính xác, mỏ hàn càng xịn thì hàn càng tốt và lâu hỏng. Như chúng ta đã biết một Lữ Bố không thể dũng mãnh nếu thiếu đi ngựa Xích Thố, một ca sỹ hát hay không thể không có một chiếc micro tốt, một bác sỹ phẫu thuật giỏi không thể thiếu đi những máy móc tinh vi và một thợ điện tử chuyên nghiệp không thể thiếu những dụng cụ hiện đại và chính xác.

*. Tìm cho mình một môi trường học tập tốt.

Không thầy đố mày làm nên!!!! Chính xác là như vậy đấy. Tuy nhiên người thầy của chúng ta không cứ phải là người trần mắt thịt. Đó có thể là những giáo trình, những tài liệu về kỹ thuật điện tử mà các tác giả đã dày công biên soạn cho chúng ta. Việc tìm được một môi trường học tập và người thầy trực tiếp dạy bảo mình là rất cần thiết. Sách vở chỉ cho ta kiến thức chung, còn người thầy trang bị cho ta những kinh nghiệm thực tế mà lý thuyết không thể có. Sách vở chỉ cho ta hiểu về "linh kiện cơ bản", "mạch điện cơ bản" nhưng chúng ta sẽ khó mà có kinh nghiệm sửa chữa nếu không trực tiếp làm việc với sự hướng dẫn của người thầy và các thiết bị điện thực tế. Để thực hiện được điều đó các bạn hãy đến với khoa Điện – Điện tử các bạn sẽ được trang bị cả về lý thuyết lẫn tay nghề dưới sự hướng dẫn của các thầy cô chắc về chuyên môn và vững về tay nghề. Đó là những gì tôi muốn nói với các bạn. Chúc các bạn thành công với sự lựa chon của mình.

Một giờ học thực hành của thầy và trò khoa Điện – Điện tử

 

Trương Quang Tươi – Khoa Điện – Điện tử