ĐỒNG CHÍ VÕ NGUYÊN GIÁP - ĐẠI TƯỚNG ĐẦU TIÊN, TỔNG TƯ LỆNH CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

          Hoà chung không khí hào hùng kỷ niệm những ngày lễ lớn: Cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội (19/8/1945), Ngày truyền thống của CAND Việt Nam (19/8/2022),… nhân dân cả nước hân hoan kỷ niệm 111 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2022), nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

          Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân Đội Quốc gia Việt Nam khi 37 tuổi. Sau này, trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Hồ Chí Minh đã nói: “người nào đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”. Tháng 8 năm 1948, ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập.

        Từ tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp là một trong 5 ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành ủy viên Bộ Chính trị (thay thế Ban Thường vụ Trung ương) Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951.

         Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh Nhân dân kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

          Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân.

          Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp.

          Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của Thế giới thứ ba, nơi có những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.

         Nhân dân ta tôn vinh gọi Đại tướng là “Vị tướng của lòng dân”, “Vị tướng của Nhân dân”, hay một cái tên trìu mến: “Tướng Giáp - Anh Văn, Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam, với Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, gắn với dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài năng, nhân cách của Đại tướng thể hiện đó là nhân cách và trí tuệ Việt Nam.

        Cả cuộc đời của Đại tướng bao giờ cũng quý trọng, học tập và phục vụ Nhân dân, học tập tinh hoa truyền thống của dân tộc, Đại tướng tự nhận: “Tôi chỉ là giọt nước trong biển cả Nhân dân”, Đại tướng bao giờ cũng đánh giá rất cao vai trò của Nhân dân, khi đánh giá công trạng vai trò của một vị tướng, có nhà báo nước ngoài hỏi “Vị đại tướng nào vĩ đại nhất” Đại tướng đã không ngần ngại trả lời “Nhân dân Việt Nam”. Khi hòa bình lập lại, Đại tướng lúc nào cũng đau đáu vì dân, vì nước. Câu hỏi lúc nào cũng thường trực trong Đại tướng, tại sao hòa bình rồi mà dân còn khó khăn, đất nước còn lạc hậu?. Vì vậy Đại tướng được gọi là “Đại tướng của Nhân dân”, “Đại tướng của lòng dân”.

         Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ Quảng Bình, ông đã nằm xuống nhưng tình cảm mà dân tộc Việt Nam dành cho ông, mãi mãi không thay đổi. Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài của vị Tổng tư lệnh - Người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam mãi tồn tại. Ông sẽ mãi là vị tướng trong lòng người dân đất Việt.

         Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 111 của một vị tướng suốt đời vì nước vì dân, một nhân chứng lịch sử sống qua hai thế kỷ đã đóng góp làm vẻ vang cho non sông đất nước ta trong một thời đại vẻ vang nhất của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước: Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh!

Lường Thị Pó - Trần Thuỳ Trang - Khoa LLCT

 

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 102 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715