VĂN HÓA SỬ DỤNG THANG MÁY

Được đăng ngày Thứ ba, 01 Tháng 12 2015 00:39
Viết bởi Quản trị viên

Cùng với sự phát triển của xã hội, thang máy đang dần trở nên quen thuộc trong cuộc sống của người Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa sử dụng thang máy dường như vẫn chưa kịp đến với đa số người sử dụng chúng. Điều này không chỉ gây khó chịu cho những người xung quanh mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt Nam trước con mắt của bạn bè quốc tế. Là HSSV đang ở nội trú Ký túc xá của trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc nơi có cầu thang maý chạy suốt 8 tầng nhà các bạn hãy nhớ một số nguyên tắc ứng xử cơ bản khi đi thang máy để trở thành một công dân trẻ văn minh:

- Hãy xếp hàng khi cùng lúc chờ thang máy với mọi người, khoảng cách lý tưởng là cách người phía trước một cánh tay;

- Khi chờ thang máy, hãy đứng về phía 2 bên cửa. Lúc thang máy dừng, chờ người ở trong ra trước rồi mới vào. Tránh vì sợ cửa đóng mà xô vào khi thang máy vừa dừng làm người ở trong không thể nào ra được;

- Nhường cho phụ nữ, người già, người tàn tật vào thang máy trước rồi vào sau;

- Khi thang máy báo quá tải, nếu bạn ở gần cửa thang máy nên tự động bước ra ngoài để thang máy hoạt động bình thường và chờ đi lượt sau;

- Sau khi vào thang máy và chọn tầng, nếu còn chỗ trống hãy đứng nép qua 2 bên hoặc di chuyển vào phía trong để người đi sau có thể bước vào, tránh đứng chặn ngay cửa thang máy ngay cả khi cần phải ra trước;

- Vì không gian trong thang máy rất nhỏ hẹp nên nói chuyện nhẹ nhàng, vừa phải, tránh cười đùa ầm ĩ, xô đẩy, nói chuyện điện thoại lớn tiếng làm ảnh hưởng đến người xung quanh;

- Hãy đứng quay mặt ra cửa, tránh đứng đối diện với đám đông;

- Khi thang máy dừng ở tầng chưa phải là nơi bạn cần đến và vô tình bạn lại đứng ở vị trí ra vào, hãy chủ động bước ra ngoài để nhường đường cho người bên trong cần ra hoặc có thể đứng nép qua 1 bên, tay chặn ở mép cửa để ngăn cửa đóng lại;

- Nếu đứng ở vị trí bảng điều khiển, hãy bấm giữ nút đóng/mở khi có người vào/ra. Đặc biệt, nếu đến tầng trên cùng hoặc dưới cùng, nên giữ cửa và nhường cho người khác ra ngoài trước nếu không có ai làm việc này;

- Khi thang máy gặp sự cố, hãy bình tĩnh và thực hiện những thao tác ở bảng hướng dẫn để xử lý hoặc nhờ sự trợ giúp, khi đã giải quyết được sự cố, cũng bình tĩnh để mọi người cùng rời khỏi thang máy một cách trật tự, an toàn;

- Các bạn ở các phòng gần tầng trệt của toà nhà nên đi cầu thang bộ để tập thể dục rèn luyện sức khỏe và tiết kiệm điện;

- Hãy luôn nở nụ cười thân thiện và gửi lời cảm ơn khi đi thang máy và khi ai đó giữ cửa thang máy cho bạn.

Ký túc xá là một xã hội thu nhỏ với cộng đồng cư dân trẻ, giàu cá tính, năng động, sáng tạo, giàu nhiệt huyết, khát vọng trong học tập và chính các bạn sinh viên là chủ thể của mái nhà Ký túc xá. Để Ký túc xá trở thành điểm đến tin tưởng, an tâm của sinh viên, phụ huynh; là môi trường sinh hoạt, rèn luyện của các bạn sinh viên sau giờ lên lớp; Ban Quản lý Ký túc xá rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, phản ánh kịp thời của sinh viên liên quan đến hoạt động của mình. Đây là kênh quan trọng để Ký túc xá nắm bắt tình hình hoạt động cũng như phản hồi chính xác, kịp thời những phản ánh của các bạn sinh viên, tránh các thông tin chưa chính xác, thiếu khách quan trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các trang mạng xã hội.

Bằng nhiều hình thức, các bạn sinh viên có thể đóng góp ý kiến, phản ánh, thắc mắc của mình trực tiếp với Ban Quản lý Ký túc xá thường trực tại phòng 507 nhà 8 tầng, tất cả sẽ được giải đáp kịp thời, chính xác. Chính hành động của các bạn là cách thể hiện nếp sống trách nhiệm, văn minh, lịch sự và đây cũng là cách để Ký túc xá tổ chức các hoạt động nhằm phục vụ các bạn sinh viên ngày một tốt hơn. 

                                                                      Đào Minh Xuân – Trưởng Ban Quản lý Ký túc xá