ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN THPT

Được đăng ngày Thứ ba, 26 Tháng 9 2023 00:21
Viết bởi Quản trị viên

Theo công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH, đầu năm học 2022 - 2023, Sở giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc đã tiến hành tập huấn cho toàn bộ giáo viên đang giảng dạy tại các trường THPT, các Trung tâm GDTX trong tỉnh. Đợt tập huấn chủ yếu nhấn mạnh đến những điểm mới trong chương trình giảng dạy các môn đặc biệt là môn Ngữ văn

Thứ nhất, về phương pháp giảng dạy: Chương trình lớp 10 mới được giảng dạy theo hướng linh hoạt, đổi mới; tăng cường cho học sinh thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, nói, nghe, viết; gắn đời sống với văn học; dùng ngữ liệu mới, tình huống mới, khắc phục tình trạng dạy nhiều về thuyết giảng, đọc chép và thuộc lòng, hướng tới cho học sinh phát triển tư duy, cảm xúc tăng vốn sống, năng lực ngôn ngữ và cảm thụ thẩm mỹ. Giúp học sinh thấy được cái hay, cái đẹp trong văn học để từ đó tăng thêm hiểu biết vận dụng vào đời sống thực tiễn.

Thứ hai, về công tác kiểm tra đánh giá:Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung, tài liệu có sẵn.Xây dựng đề kiểm tra và đánh giá mở đảm bảo phát huy được những mặt mạnh của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Tạo cơ hội cho học sinh khám phá tri thức mới, đề xuất và tạo ra sản phẩm mới. Khi nhận xét, đánh giá cũng cần tôn trọng cách nghĩ, cách cảm của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Thứ ba, về thời lượng và phân phối chương trình: Chương trình GDTX cấp THPT môn Ngữ văn thực hiện từ lớp 10,11 với thời lượng dành cho mỗi lớp là 105 tiết/năm học; thực hiện trong 35 tuần/năm học. Ngoài ra, môn học còn có 35 tiết chuyên đề học tập/lớp. Cấu trúc theo logic trật tự các bài cũng thay đổi, chọn lọc cân bằng cho cả 3 khối lớp học.

Mới đầu sự thay đổi toàn diện này có nhiều bỡ ngỡ, lúng túng cho cả giáo viên và học sinh nhưng sau một thời gian đã dần ổn định và đi vào quỹ đạo. Từ sự thay đổi đó đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu đổi mới môn Ngữ văn THPT nói riêng và GDĐT nói chung.

   

Một số hình ảnh về đợt tập huấn

 

Thực tế các giờ giảng văn áp dụng theo thông tư

Tô Thị Kim Ngân - Khoa KHCB