KHAI BÚT ĐẦU XUÂN, NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc ở khu vực châu Á. Bởi vậy, trong ngày tết cổ truyền còn chứa đựng rất nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán như: hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ. Trong đó Khai bút là là một phong tục đẹp, đầy thú vị, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo thời gian, tục Khai bút đầu năm đã có nhiều nét đổi thay. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, nó cũng vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa người Việt.

            Truyền thống Khai bút đầu xuân của dân tộc ta đã có từ lâu đời, nhất là dưới xã hội phong kiến khi nền Nho học thịnh hành. Thời đó người ta dùng bút lông, mực Tàu, viết chữ Hán hoặc chữ Nho trên giấy hồng điều (giấy đỏ hoặc vàng). Khi chữ quốc ngữ chưa ra đời thì chữ Hán và chữ Nho giữ vị trí độc tôn, được coi là của thánh hiền, là chữ thần, là báu vật của trí tuệ. Vì các bậc tiền bối coi trọng chữ như vậy nên trước khi Khai bút ai cũng phải thắp hương trên bàn thờ gia tiên, rồi trang nghiêm, cẩn trọng tay bút sắp xếp trải ra cẩn thận: giấy, bút, mực trên hương án hoặc bàn viết. Khai bút trở thành một mỹ tục đầy thú vị, bởi mỗi năm xuân chỉ đến một lần và trong một năm cũng chỉ Khai bút một lần khi xuân về. Những lần cầm bút sau không còn là khai bút nữa. Vì thế, đối với tiền nhân, khai bút là thiêng liêng, phải thực hiện với tất cả sự tâm thành. Khi Khai bút, phải ăn mặc chỉnh tề, đi cúng ở văn chỉ, văn tứ của làng xã rồi mới được về nhà khai bút. Trước khi Khai bút ai cũng phải suy nghĩ, chọn lọc câu, tứ, ý, kiểu chữ, kiểu văn cho thật chuẩn, thật hay thì mới đặt bút viết. Thậm chí có những người cẩn thận còn viết sẵn mấy chữ, riêng chữ cuối cùng luôn để thiếu một nét, khi đến giờ Khai bút thì chỉ cần viết thêm nét cuối. Họ quan niệm nếu viết đẹp thì cả năm hanh thông, suôn sẻ. Kỵ nhất là đầu năm viết chữ đầu tiên có ý nghĩa xấu, hay viết sai, viết hỏng. Mọi người thường Khai bút đúng lúc giao thừa vừa sang hoặc vào buổi sáng mồng Một tết, là thời điểm được coi là quan trọng nhất, thiêng liêng nhất. Trong xã hội xưa số người biết chữ rất ít chủ yếu là thầy đồ, quan viên, học sĩ nên người Khai bút chủ yếu là các thầy đồ. Hình ảnh đó đã đi vào thơ văn:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

(Ông Đồ - Vũ Đình Liên)

Ảnh: Khai bút đầu năm

Mỗi độ tết đến trong tiết xuân, trời đất giao hòa, vạn vật đâm chồi nảy lộc trên phố phường nhiều người qua lại ông đồ bày mực tàu giấy đỏ, viết nên những nét chữ “như phượng múa, rồng bay”, gửi gắm vào đó bao ước nguyện, bao mơ ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để những người qua đường trên phố không thể viết được chữ thì mua về treo trong nhà ở vị trí trang trọng nhất. Hình ảnh của mực Tàu giấy đỏ làm thắm lại, lắng lại nét xuân, hồn Tết trên từng con chữ. Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Ngọc Vương (Đại hoc Quốc gia Hà Nội), cổ nhân quan niệm: “ Tết đến, xuân về, tinh hoa đất trời tích tụ, vung bút mà đón lấy cái khí thiêng lành đó quả là một phúc phận hiếm. Đặc biệt với giới văn nhân, những người thường nghĩ mình hữu tài, hữu tự, thì càng lấy đó làm điều trân trọng” Như thế cũng đủ để thấy tinh thần hiếu học, coi trọng chữ nghĩa của dân tộc ta từ xưa như thế nào.

Đầu năm mới “Quan” khai ấn, “Thương” khai trương, “Nông” khai canh, “Sĩ” thì khai bút.Đối với những danh sĩ, họ khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu xuân bày tỏ nguyện vọng hay ý chí của mình. Những bài thơ khai bút này được viết lên giấy hồng điều hoặc trên giấy hoa tiên (giấy có vẽ hoa). Viết xong, danh sĩ treo bài thơ lên tường để thưởng xuân.Những người có chức vụ lớn như tổng đốc, tuần phủ, tri phủ, tri huyện... thì có lệ khai ấn và khai triện. Các vị này làm lễ khai ấn, triện bằng cách đóng dấu vào những giấy tờ công văn để cầu mong thiên hạ thái bình, dân chúng được an cư lạc nghiệp. Lễ khai ấn và khai triện thường được cử hành vào ngày khai hạ (mồng 7/1 âm lịch).Các quan võ thì có tục khai kiếm. Người ta lấy gươm chọc huyết trâu, bò hay cắt tiết lợn, gà, vịt… dùng cho tế lễ. Với những người dân thường, tùy theo nghề nghiệp của mình, họ làm lễ khai trương cửa hàng hoặc làm lễ cúng các vị tổ của mỗi nghề (gọi là lễ cúng Tiên Sư). Lễ này thường được cúng vào ngày 9/1 âm lịch.

           Mỗi độ tết đến, những người “có chữ” lại chọn ngày để Khai bút với mong ước cái “tâm” được thanh tịnh, để cả năm mới sẽ “công danh thành đạt”. Vậy nên khi Khai bút các bậc tiền nhân xưa thường viết những câu đối hoặc những câu có ý nghĩa nội dung sâu sắc.Mỗi người cũng lựa chọn những điều riêng để viết: Có người thường chỉ viết ngày tháng năm và câu: “Khai bút đại cát”, “Tân xuân đại cát”, văn sỹ thường sáng tác một bài thơ Xuân, những ông đồ thường viết câu đối để treo trong nhà ngày Tết. Điều thú vị là cổ nhân có quan niệm, người khai bút chỉ được viết những gì tự mình nghĩ, những câu đối, câu thơ của mình sáng tác, bởi viết lại những câu của người khác, thì chưa hẳn được gọi là khai bút.

Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới được hạ xuống cũng là tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu Xuân ấy còn là ước nguyện của người cầm bút về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý. Mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng như thế, nên lễ Khai bút thường được các học sỹ thực hiện với tất cả sự tôn nghiêm, trang trọng, tâm thành.

            Sinh thời, nhà thơ Tú Xương đã viết một bài thơ Khai bút mà cho đến nay, không ít người, đặc biệt là giới văn nghệ sỹ vẫn rất tâm đắc. Người ta vẫn nhắc lại với nhau mỗi dịp tết đến, xuân về như một cách để nhấn mạnh trách nhiệm của người tri thức và khắc sâu vai trò của “chữ nghĩa”, của sự học trong đời sống xã hội.

“Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài.
Huống chi mình đã đỗ tú tài,
Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối"
(Tết dán câu đối - Trần Tú Xương)

Tục Khai bút thường chỉ có giới học giả trong xã hội mới thực hiện. Tục này xưa có ông đồ, thầy đồ, học sĩ... ngày nay có học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết. Thường thì sau giao thừa, mọi người sẽ chọn một giờ tốt để làm lễ Khai bút. Tục Khai bút không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết, nhưng từ bao đời nay, nó vẫn được mọi người đề cập đến nhiều trong cuộc sống, nhất là những ngày đầu năm. Và không nhất thiết phải Khai bút vào ngay sau giao thừa, mà có thể chọn một ngày hay một giờ thích hợp nào đó để làm việc này, từ ngày mùng Một Tết cho đến những ngày sau đó.

            Khai bút đại cát - người xưa thường viết như thế khi đưa những nét chữ đầu tiên của năm, với ý nghĩa là khai bút để gặp những điều tốt lành, đồng thời thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học. Đây là một tập tục đẹp, một nét văn hóa Tết đáng được nhân dân ta gìn giữ, phát huy.

Ngày nay Khai bút đầu xuân cũng đã có rất nhiều đổi thay, khi xã hội ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao thì đối tượng Khai bút đầu xuân cũng vì thế mà được mở rộng hơn rất nhiều. Không chỉ có thầy đồ, học sỹ mà chủ yếu còn là học sinh, sinh viên, giới văn sỹ, thi sỹ, người làm nghề viết…thậm chí có nhiều người trong giới doanh nghiệp đầu năm cũng cố kiếm tìm một vài câu, chữ, mang ý nghĩa thịnh vượng, phát tài phát lộc về treo trong nhà hoặc nơi làm việc với ý niệm mong cho một năm mới thêm nhiều thành công mới.

Cùng với việc mở rộng về đối tượng Khai bút đầu xuân, thì ngày nay mọi người cũng không quá cẩn trọng trong việc tiến hành Khai bút. Khi xưa Khai bút phải mặc áo the, khăn xếp, thắp hương rồi mới ngồi nắn nót từng con chữ sao cho thật tròn, thật vuông, viết những câu thật sâu sắc ý nghĩa thì nay Khai bút được đơn giản hóa hơn rất nhiều. Có khi chỉ là viết ngày, tháng, viết một vài dòng suy nghĩ, hay có khi đó là sự tổng kết những gì đã đạt được trong năm qua và mong ước cho một năm mới thêm nhiều điều may mắn đánh đấu việc khai bút. Hay có khi còn một vài bài tập dở dang, đầu năm rảnh rỗi mang ra làm tiếp. Hay thậm chí ngày nay giới trẻ trong lúc giao thừa vừa sang, trong những ngày đầu năm mới có thể lên mạng viết blog, hay vào facebook viết vài dòng suy nghĩ, chia sẻ, tâm sự với bạn bè ...tất cả đều có thể được coi là việc làm có ý nghĩa.

Trong xu thế phát triển xã hội hóa học tập và học tập suốt đời, nhất là trong xu thế hội nhập, với cách nghĩ, lối sống hiện đại, cái xưa của Khai bút ít được giữ lại và tồn tại ở nhiều người. Khai bút ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhưng nó không hề bị mất đi, mà nó vẫn luôn tồn tại ở một số người ngày đầu xuân, với luyện chữ thì ít mà luyện tình cảm, tâm hồn, trí tuệ, văn chương là nhiều. Theo chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phát triển nền giáo dục Việt Nam ngang tầm thời đại, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Khai bút đầu xuân là việc làm có lợi vô cùng ý nghĩa, rất cần thiết đối với tất cả mọi người.

            Khai bút đầu xuân là một trong những truyền thống có từ lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Nó trở thành một nét đẹp, một biểu tượng cho tinh thần hiếu học của dân tộc ta. Với ý nghĩa sâu sắc đó, mỗi người chúng ta nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên cần phải gìn giữ và phát huy để mỗi độ tết đến xuân về, trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp của ngày đầu xuân chúng ta vẫn không quên nhiệm vụ học hành.

 

PHÒNG KHCN&ĐN

 

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 99 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715