Đề cương ôn thi tốt nghiệp Trung cấp nghề 2016

HỘI ĐỒNG THI TỐT NGHIỆP

TIỂU BAN CHÍNH TRỊ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

                   Vĩnh Yên, ngày 26  tháng 5 năm 2016

DANH SÁCH PHÂN CÔNG GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN

VÀ ĐỀ CƯƠNG  ÔN TẬP THI TỐT NGHIỆP - NĂM 2016

Môn: Chính trị

(Dành cho các lớp BTVH + Nghề)

I. Danh sách giáo viên hướng dẫn

Stt Họ, tên giáo viên Lớp Thời gian SĐT Ghi chú
01 Nguyễn Thị Phương Lan BTVH 12A1 8h ngày 1/6 0904 184 333  
BTVH 12A2 14h ngày 1/6  
BTVH 12A3 8h ngày 2/6  
BTVH 12E1 14h ngày 2/6  
BTVH 12E2 8h ngày 3/6  
BTVH 12E3 14h ngày 3/6  
BTVH 12C1 8h ngày 4/6  
BTVH 12C2 14h ngày 3/6  

Chú ý:

- Các lớp chưa kịp đăng ký, HSSV tự liên hệ với GV đã được phân công;

- HSSV tự bố trí phòng học.

II. Câu hỏi và hướng dẫn làm bài thi

  1. Câu hỏi

Câu 1: Trình bày quan điểm triết học Mác - Lênin về mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, từ đó rút ra ý nghĩa phương pháp luận khoa học?

Câu 2: Trình bày nội dung nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, ý nghĩa phương pháp luận của nguyên lý?

Câu 3: Trình bày nội dung cơ bản của quy luật mâu thuẫn, ý nghĩa phương pháp luận của quy luật?

Câu 4: Môi trường sinh thái là gì? Những ảnh hưởng của môi trường sinh thái đối với xã hội?

Câu 5: Trình bày nội dung quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự vận dụng quy luật này trong đường lối đổi mới của Đảng ta?

Câu 6: Trình bày nguồn gốc, bản chất, đặc trưng, chức năng của Nhà nước?

Câu 7:  Ý thức xã hội là gì? Trình bày tính độc lập tương đối và sức mạnh cải tạo của ý thức xã hội?

Câu 8: Trình bày những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?

Câu 9: Trình bày đặc điểm, nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam?

Câu 10: Trình bày quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh đến khi Bác tìm được con đường cứu nước cho dân tộc?

  1. Hướng dẫn trả lời

Câu 1: Trình bày quan điểm của triết học Mác - Lênin về mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức? Từ đó rút ra ý nghĩa phương pháp luận khoa học?

Trả lời

* Khái niệm vật chất và ý thức

- Vật chất: “Vật chất là một phạm trù triết học để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”

- Ý thức: Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, hay ý thức chẳng qua chỉ là hình ảnh của thế giới khách quan được di chuyener vào trong đầu óc con người và cải biến đi trong đó.

* Nội dung quan điểm của triết học Mác –Lê nin về mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức.

Triết học Mác –Lê nin khẳng định vật chất là cái có trước và quyết định ý thức và ý thức tác động trở lại vật chất.

- Vật chất quyết định ý thức: được thể hiện.

   + Vật chất (cơ sở vật chất, điều kiện vật chất, quy luật khách quan) là tiền đề, nguồn gốc cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của ý thức.

   + Điều kiện vật chất như thế nào thì ý thức như thế đó.

   + Vật chất phát triển đến đâu thì ý thức hình thành, phát triển đến đó.

   + Vật chất biến đổi thì ý thức biến đổi theo.

- Ý thức tác động trở lại  vật chất

 Triết học Mác- Lênin khẳng định ý thức do vật chất sinh ra và quyết định. Song ý thức có tác động to lớn đối với vật chất biểu hiện:

   + Ý thức phản ánh hiện thực khách quan vào óc con người, giúp con người hiểu được bản chất, quy luật vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.

   + Trong hoạt động thực tiễn, sự vật bộc lộ nhiều khả năng, nhờ có ý thức, con người biết lựa chọn những khả năng đúng, phù hợp, mà thúc đẩy sự vật phát triển, đi lên.

   + Nói đến vai trò của ý thức đối với vật chất thực chất là nói tới vai trò hoạt động thực tiễn của con người, vì ý thức tự nó không thể thực hiện được gì hết, ý thức chỉ có tác dụng đối với hiện thực trong thực tiễn, thông qua hoạt động thực tiễn.

* Ý nghĩa phương pháp luận :

Từ mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, có thể rút ra những ý nghĩa cơ bản sau:

- Từ nguyên lý vật chất quyết định ý thức: Tất yếu đòi hỏi trong hoạt động nhận thức, thực tiễn phải luôn tôn trọng hiện thực khách quan, quy luật khách quan. Nghĩa là phải xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị xã hội nhất định mà mà đề ra đường lối chủ trương chính sách đúng đắn phù hợp, thúc đẩy lịch sử tiến lên.

- Chủ quan duy ý chí, nôn nóng, vội vàng, tất yếu sẽ dẫn đến sai lầm trong nhận thức và thất bại trong hoạt động thực tiễn.

- Từ nguyên lý ý thức tác động trở lại vật chất: đòi hỏi phải luôn luôn chú ý phát huy đầy đủ tính năng động chủ quan, sự sáng tạo của con người trong việc nhận thức thế giới, cải tạo thế giới.

Câu 2: Trình bày nội dung nguyên lý về mối liên hệ phổ biến? Ý nghĩa phương pháp luận của nguyên lý?

Trả lời:

* Khái niệm:

- Liên hệ: Là phạm trù triết học dùng để chỉ sự quy định, sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện tượng.

- Liên hệ phổ biến: Dùng để chỉ tính phổ biến của các mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng của thế giới, đồng thời cũng dùng để chỉ các mối liên hệ tồn tại ở nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới, trong đó mối liên hệ phổ biến là những mối liên hệ tồn tại ở mọi sự vật, hiện tượng của thế giới, nó thuộc đối tượng nghiên cứu của phép biện chứng.

* Tính chất:

- Tính khách quan: Là các mối liên hệ vốn có của mọi sự vật hiện tượng, nó không phụ thuộc vào ý thức con người.

+ Là mối liên hệ vốn có của sự vật hiện tượng: Sự vật hiện tượng nào cũng có mối liên hệ, mối liên hệ là tự bản thân sự vật có không phải do một lực lượng siêu nhiên thần thánh nào chi phối cả.

+ Không phụ thuộc vào ý thức con người: Vì nó là mối liên hệ vốn có của sự vật hiện tượng nên nó tồn tại khách quan. Con người không thể tạo ra mối liên hệ của sự vật nhưng có thể nhận thức và vận dụng mối liên hệ ấy.

- Tính phổ biến của mối liên hệ:

+ Bất kỳ sự vật hiện tượng nào, ở bất kỳ không gian và thời gian nào cũng có mối liên hệ với những sự vật hiện tượng khác.

+ Ngay trong cùng một sự vật hiện tượng thì bất kỳ một thành phần nào, một yếu tố nào cũng có mối liên hệ với những thành phần, những yếu tố khác.

+ Tính phổ biến của mối liên hệ diễn ra trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên- xã hội và tư duy.

- Tính đa dạng phong phú của mối liên hệ:

+ Sự vật khác nhau, hiện tượng khác nhau, ở hoàn cảnh khác nhau, thì các mối liên hệ biểu hiện khác nhau.

+ Phân chia mối liên hệ: Mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bên ngoài, trực tiếp, gián tiếp,cơ bản – không cơ bản, chủ yếu- thứ yếu… Sự phân chia mối liên hệ này chỉ có tính chất tương đối.. 

* Ý nghĩa phương pháp luận

- Quan điểm toàn diện:

+ Khi nhận thức về sự vật hiện tượng đòi hỏi chúng ta nhìn nhận sự vật trong mối liên hệ qua lại giữa sự vật đó với sự vật khác.

+ Xem xét toàn diện nhưng không phải là xem xét dàn trải mà là xem xét có trọng tâm.

+ Chống quan điểm phiến diện, chiết chung, ngụy biện (Chiết trung, là kết hợp một cách vô nguyên tắc những mặt khác nhau, đối lập nhau, lẫn lộn cái bản chất với cái không bản chất; Nguỵ biện, là lập luận đem mối liên hệ thứ yếu thành chủ yếu, cái không cơ bản thành cái cơ bản).

- Quan điểm lịch sử cụ thể: Tác động vào sự vật phải chú ý đến điều kiện cụ thể mà nó sinh ra, tồn tại và phát triển.

Câu 3: Trình bày nội dung cơ bản quy luật mâu thuẫn? Ý nghĩa phương pháp luận của quy luật?

Trả lời

* Định nghĩa:

- Mặt đối lập biện chứng: mỗi sự vật hiện tượng cũng như giữa sự vật hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác trong thế giới có vô vàn ngững mặt đối lập nhau

- Mâu thuẫn biện chứng: là mối quan hệ của hai mặt đối lập biện chứng.

à Sự vật nào cũng là thể thống nhất của các mặt đối lập.          

- Mỗi sự vật đều là thể thống nhất của các mặt đối lập có liên quan ràng buộc lẫn nhau. Đó là thể thống nhất của những mâu thuẫn.

* Nội dung cơ bản của quy luật

- Các mặt đối lập trong mỗi sự vật vừa thống nhất vừa đấu tranh với nhau.

+ Sự thống nhất của các mặt đối lập là sự nương tựa vào nhau, ràng buộc lẫn nhau, quy định lẫn nhau để xác định sự vật hiện tượng nó là nó.

+ Sự đấu tranh của các mặt đối lập là sự vận động, sự triển khai ngược chiều nhau hoặc nhằm vào nhau mà chuyển hóa của hai mặt đối lập.

à Sự vật khác nhau thì phương thức đấu tranh cũng khác nhau. Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập diễn ra trong tự nhiên, khác với diễn ra trong xã hội và trong tư duy. 

- Đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối, còn thống nhất là tương đối.

+ Sự thống nhất của các mặt đối lập là tương đối: vì bất cứ sự thống nhất nào cũng là sự thống nhất có điều kiện, tạm thời, thoáng qua, gắn liền với đứng im tương đối của sự vật.

+ Đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối: vì nó diễn ra liên tục không bao giờ ngừng, trong suốt quá trình tồn tại của hai mặt đối lập, từ đầu đến cuối. Ngay trong thống nhất vẫn có đấu tranh.

- Các loại mâu thuẫn:

Mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài:

+ Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản:

+ Mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu:

+ Mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.

* Ý nghĩa phương pháp luận

- Mâu thuẫn là cái khách quan vốn có của các sự vật, là nguồn gốc động lực bên trong của sự phát triển, do vậy nghiên cứu sự vật phải nghiên cứu từ những mâu thuẫn của nó.

- Sự vật khác nhau thì mâu thuẫn khác nhau, nên khi nghiên cứu và giải quyết mâu thuẫn phải có quan điểm cụ thể, để có những  phương pháp cụ thể cho phù hợp.

- Giải quyết mâu thuẫn phải theo phương thức đấu tranh các mặt đối lập, chứ không theo hướng dung hòa các mặt đối lập.

Câu 4: Môi trường sinh thái là gì? Những ảnh hưởng của môi trường sinh thái đối với xã hội?

Trả lời

* Khái niệm

- Môi trường địa lý: là toàn bộ những sự vật hiện tượng của giới hữu sinh và vô sinh như vỏ trái đất, bộ phận thấp của khí quyển, lớp đất phủ giới động vật và thực vật… được thu hút vào một quá trình của đời sống xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định và tạo thành điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của xã hội.

- Hệ sinh thái: chỉ một đơn vị tự nhiên gồm vật sống và vật không sống tác động lên nhau để hình thành một hệ ổn định. Ở đó có sự trao đổi vật chất giữa vật sống và vật không sống theo một vòng tuần hoàn.

- Môi trường sinh thái: là hệ sinh thái của môi trường địa lý, nơi diễn ra sự cư trú và những hoạt động sống của con người. Trong quá trình sống con người luôn phải tái tạo sự cân bằng sinh thái để tồn tại và phát triển bình thường.

* Những ảnh hưởng của môi trường sinh thái đối với xã hội.

- Sự kạn kiệt tài nguyên

Sự tác động của con người vào tự nhiên có hai hướng:

à Nếu con người tác động vào tự nhiên theo đúng quy luật của nó: đảm bảo sự cân bằng sinh thái; bảo đảm sự hài hòa giữa con người và tự nhiên thì sẽ làm cho tự nhiên ngày càng phong phú, không ngừng phát triển bền vững.

à Con người tác động vào tự nhiên thái quá, cực đoan sẽ làm cho tài nguyên thiên nhiên nhanh chóng cạn kiệt.

- Sự ô nhiễm môi trường

+ Việc khai thác rừng một cách bừa bãi tất yếu sẽ dẫn đến: Lụt lội mùa mưa, cạn kiệt mùa khô, đất đai sẽ bị xâm thực, suy thoái... điều này trở nên vô dụng đối với sản xuất nông nghiệp.

+ Việc dùng một lượng quá lớn hoá chất độc hại để diệt cỏ, diệt côn trùng... tự nhiên đã gây độc hại cho sinh vật và con người. Việc sử dụng nhiên liệu, khí đốt, xăng, dầu, than đá sẽ thải CO2 khổng lồ làm ô nhiễm bầu không khí. Khi môi trường đất, nước bị ô nhiễm, tất yếu sẽ dẫn đến những hiện tượng: hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ozôn, mưa a xít, sự tăng nhiệt độ toàn cầu…

- Nguyên nhân của ô nhiễm môi trường:

+ Trước hết là sự tác động vô ý thức, mù quáng của con người vào tự nhiên. Sở dĩ như vậy là vì con người thiếu tri thức về tự nhiên về xã hội về quan hệ của con người với tự nhiên, quan hệ con người với xã hội.

+ Trong sản xuất công nghiệp các chủ sản xuất chỉ chăm chú vào năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm để thu được lợi nhuận cao, đó là mục đích lớn nhất của các nhà tư bản. Còn vấn đề thải ra các chất thải, độc hại cho môi trường, cho người khác các chủ đầu tư không chú ý đầu tư giải quyết triệt để.

- Một số biện pháp bảo vệ môi trường:

+ Áp dụng các biện pháp mạnh ngăn chặn các hành vi huỷ hoại hoặc gây ô nhiễm môi trường.

+ Xử lý mối quan hệ giữa tăng dân số, phát triển kinh tế và đô thị hoá với phát triển môi trường.

+ Nhà nước phải đổi mới chính sách để thu hút đầu tư của xã hội vào lĩnh vực môi trường. Trước hết phải thu gom, xử lý tái chế chất thải, phát triển và ứng dụng công nghệ sạch hoặc công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường.

Câu 5: Trình bày quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất? Vận dụng quy luật này vào đường lối đổi mới của Đảng ta hiện nay?

Trả lời

* Khái niệm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất:

- Lực lượng sản xuất: Là mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, là trình độ chinh phục tự nhiên của con người, là mặt tự nhiên của phương thức sản xuất.

- Quan hệ sản xuất: Là mối quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất, là mặt xã hội của phương thức sản xuất.

* Khái niệm về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.

- Khái niệm lực lượng sản xuất: là tính chất cá nhân hay tính chất xã hội trong việc sử dụng tư liệu lao động, mà chủ yếu là công cụ lao động của con người để chế tạo sản phẩm.

- Trình độ của lực lượng sản xuất là trình độ phát triển của khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, công cụ lao động, phân công lao động và người lao động trong đó phân công lao động và đi liền với nó là trình độ chuyên môn hóa là sự biểu hiện rõ ràng nhất. Bên cạnh đó, người ta coi công cụ lao động là tiêu chí quan trọng nhất là bậc thang phát triển của lực lượng sản xuất.

* Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

-  Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất:

+ Trong mỗi phương thức sản xuất thì hai mặt lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lực lượng sản xuất là nội dung vật chất, kỹ thuật và quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của phương thức sản xuất.

+ Tính chất và trình độ lực lượng sản xuất như thế nào thì nó đòi hỏi quan hệ sản xuất phải như thế ấy để đảm bảo sự phù hợp

+ Khi lực lượng sản xuất đã thay đổi về tính chất và trình độ thì quan hệ sản xuất cũng phải thay đổi theo để đảm bảo sự phù hợp

+ Khi lực lượng sản xuất cũ mất đi, lực lượng sản xuất mới ra đời thì quan hệ sản xuất cũ cũng phải mất đi và quan hệ sản xuất mới phải ra đời để đảm bảo sự phù hợp

- Quan hệ sản xuất tác động trở lại lực lượng sản xuất:

+ Nguyên tắc của sự tác động trở lại là : Nếu quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thì nó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, ngược lại nếu quan hệ sản xuất không phù hợp thì nó kìm hãm, thậm chí phá vỡ lực lượng sản xuất.

+ Quan niệm về sự phù hợp : Một quan hệ sản xuất được gọi là phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất khi nó tạo ra những tiền đề, những điều kiện cho các yếu tố của lực lượng sản xuất (người lao động, tư liệu lao động, đối tượng lao động) kết hợp với nhau một cách hài hòa để cho sản xuất diễn ra bình thường và đưa lại năng suất lao động cao.

+ Sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất không phải chỉ thực hiện một lần là xong xuôi mà phải là một quá trình, một "cân bằng động". nghĩa là một sự phù hợp cụ thể nào đó gữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất luôn luôn bị phá vỡ để thay bằng một sự phù hợp khác cao hơn.

* Sự vận dụng quy luật này trong đường lối đổi mới của Đảng ta

(Gv hướng dẫn)

Câu 6: Trình bày nguồn gốc, bản chất, đặc trưng, chức năng của nhà nước?

Trả lời: 

*Nguồn gốc Nhà nước.

- Nhà nước là một hiện tượng lịch sử, nghĩa là nó chỉ xuất hiện và tồn tại trong một giai đoạn nhất định của xã hội loài người.

- Nhà nước ra đời từ sự tan rã, "trên đống hoang tàn" của xã hội thị tộc nguyên thủy. Nghĩa là Nhà nước chỉ ra đời khi xã hội có sự phân chia giai cấp, mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp không thể điều hòa.

* Bản chất của Nhà nước.

- Nhà nước là một kiểu thiết chế chính trị  của xã hội có giai cấp, nó là một bộ máy có quyền lực của giai cấp thống trị để quản lý mọi mặt của đời sống xã hội nhằm bảo vệ lợi ích và địa vị xã hội của giai cấp mình.

- Nhà nước là thiết chế quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng, là bộ phận cơ bản nhất của hệ thống chính trị.

- Từ bản chất giai cấp của nhà nước ta có thể định nghĩa: Nhà nước là một thiết chế của kiến trúc thượng tầng, là bộ phận cơ bản nhất của hệ thống chính trị, bao gồm bộ máy quan lại, quân đội, nhà tù cảnh sát do giai cấp thống trị tổ chức ra để thực hiện quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế của giai cấp mình.

* Đặc trưng của Nhà nước.

Bất kỳ Nhà nước nào cũng có ba đặc trưng cơ bản :

- Một là, sự phân chia dân cư theo lãnh thổ cư trú (trong xã hội thị tộc thì sự phân chia dân cư theo huyết thống).

- Hai là, sự thiết lập một quyền lực mang tính cưỡng chế như : những đội vũ trang đặc biệt (quân đội, cảnh sát, tình báo...), những công cụ (tòa án, trại giam, nhà tù...) và những phương tiện khác để bắt buộc giai cấp bị trị và toàn xã hội phải phục tùng.

- Ba là, ban hành chế độ thuế khóa, một chế độ đóng góp có tính chất cưỡng bức về kinh tế đối với xã hội để nuôi sống bộ máy cai trị.

* Chức năng  của Nhà nước.

- Nhà nước có hai chức năng cơ bản :

+ Một là, chức năng đối nội.

+ Hai là, chức năng đối ngoại.

- Cả hai chức năng trên đều được tiến hành đồng thời để phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị, trong đó chức năng đối nội là chủ yếu và quyết định, chức năng đối ngoại phải phục vụ cho đối nội.

Câu 7: Ý thức xã hội là gì, trình bày tính độc lập tương đối và sức mạnh cải tạo của ý thức xã hội?

Trả lời

            *Khái niệm.

 Ý thức xã hội là toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, bao gồm những quan điểm, tư tưởng, tình cảm, truyền thống... là kết quả của sự phản ánh tồn tại xã hội nhất định

            *Kết cấu của ý thức xã hội :

- Ý thức xã hội có 2 cấp độ phản ánh:

+ Tâm lý xã hội

+ Hệ tư tưởng của một giai cấp nhất định trong xã hội.

   - Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng đều là lĩnh vực tinh thần, đều bắt nguồn từ tồn tại xã hội có sự tác động qua lại song không có quan hệ phát sinh. Nghĩa là tâm lý xã hội không thể phát triển thành hệ tư tưởng và hệ tư tưởng không ra đời trực tiếp từ tâm lý xã hội.

* Tính độc lập tương đối và sức mạnh cải tạo của ý thức xã hội

- Ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, nhưng không phản ánh giản đơn, máy móc, thụ động mà có tính độc lập tương đối. Điều đó được thể hiện :

+ Ý thức xã hội thường lạc hậu, bảo thủ hơn so với sự tồn tại xã hội. Nghĩa là khi một tồn tại xã hội nào đó đã bị xóa bỏ nhưng ý thức xã hội phản ánh nó chưa mất theo ngay mà còn tồn tại một thời gian, thậm chí có những bộ phận ý thức tồn tại khá lâu dài.

+ Một bộ phận ý thức xã hội lại có khả năng vượt trước tồn tại xã hội.

+ Ý thức xã hội có tính kế thừa những tinh hoa và những giá trị tinh thần cao đẹp của truyền thống dân tộc và nhân loại để làm phong phú đời sống tinh thần của con người hiện tại. Sự kế thừa này nhìn chung là có tính chất chọn lọc và biến cải để phù hợp với dân tộc và thời đại.

 - Ý thức xã hội tác động trở lại tồn tại xã hội:

+ Ý thức xã hội có tính chất bảo thủ, lạc hậu thường tác động trở lại tồn tại xã hội theo hướng cản trở, thậm chí phá hoại sự phát triển xã hội.

+  Nếu ý thức xã hội có tính tiến bộ, khoa học nó thường tác động trở lại tồn tại xã hội theo hướng thúc đẩy xã hội phát triển.

+ Ý thức xã hội sẽ mất dần sức mạnh của nó nếu không được phát triển theo năm tháng. Song, nhờ kế thừa, cả chiều dọc (truyền thống) và chiều ngang (thời đại), ý thức xã hội luôn luôn tự bồi bổ, tự làm phong phú bằng tất cả những giá trị tốt đẹp của dân tộc và thời đại.

Câu 8: Trình bày những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội và điều kiện, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?

Trả lời

 * Đặc trưng chung của Chủ nghĩa xã hội

- Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí phát triển cao từng bước xây dựng và mở ra khả năng hết sức rộng lớn để các lực lượng sản xuất phát triển bền vững .

- Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được xác lập và hoàn thiện trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất.

- Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng và không ngừng hoàn thiện, được thực hiện rộng rãi trong thực tế, bảo đảm cho mọi công dân đều là người chủ chân chính của xã hội và hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo sự thống nhất giữa nghĩa vụ và quyền lợi, quyền con người, quyền bình đẳng nam nữ v.v… để phát triển con người toàn diện.

- Có nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới.

- Chủ nghĩa xã hội tạo ra sự bình đẳng, hữu nghị giữa các dân tộc.

* Điều kiện của nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội:

- Nước nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển.

- Trải qua cuộc chiến tranh kéo dài, hậu quả của chiến tranh còn nặng nề.

- Tàn dư của chế độ cũ, sự chống phá của các thế lực thù địch trong xây dựng đất nước.

- Chính quyền thuộc về nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt nam, đất nước hòa bình, giang sơn thu về một mối.

Trong khi đó trên thế giới:

- Cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão.

- Xu thế hợp tác, khu vực hóa, quốc tế hóa.

-> Những điều kiện trên tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta.

* Trong thời kỳ quá độ, chủ nghĩa xã hội ở nước ta có những đặc trưng sau:

- Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột và bất công, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Câu 9: Trình bày đặc điểm và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam?

Trả lời

* Đặc điểm nổi bật và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam

- Là người lao động gắn liền với nền sản xuất đại công nghiệp, giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất vì họ đại biểu cho lực lượng sản xuất tiến bộ, có trình độ xã hội hóa cao.

- Giai cấp công nhân có ý thức kỷ luật cao, có sự cố kết chặt chẽ và tinh thần cách mạng triệt để. Giai cấp công nhân còn là lực lượng quốc tế nên nó mang trong mình bản chất quốc tế vô sản.

Ngoài tính chất chung vừa nêu, giai cấp công nhân Việt Nam còn có những đặc điểm riêng làm cho nó có sức mạnh lớn hơn nhiều so với số lượng của nó.

- Giai cấp công nhân ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp (1897 - 1914), trong khi giai cấp tư sản Việt Nam do bị thực dân và tư sản Pháp chèn ép chưa trở thành một giai cấp.

- Trong một nước thuộc địa, nửa phong kiến, bị ba tầng áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, chế độ phong kiến và giai cấp tư sản Pháp, nên giai cấp công nhân Việt Nam sớm có ý thức dân tộc và ý thức giai cấp.

- Sinh trưởng trong một nước nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp chưa phát triển, nên giai cấp công nhân Việt Nam hầu hết xuất thân từ nông dân, có quan hệ gắn bó tự nhiên và gần gũi với nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.

- Giai cấp công nhân Việt Nam lại ra đời khi phong trào cách mạng thế giới đã phát triển, khi cách mạng vô sản đã thành công ở Nga,

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang và lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành chính quyền.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của giai cấp công nhân.

Câu 10: Trình bày quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh đến khi Bác tìm được con đường cứu nước cho dân tộc?

 Trả lời

* Giới thiệu chung về Nguyễn Ái Quốc: (Trình bày theo sự hiểu biết của mình)

* Những yếu tố thúc đẩy Người ra đi tìm đường cứu nước:

- Người xuất thân từ một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước

- Ngay từ thưở nhỏ Người đã chứng kiến cảnh nhân dân ta bị thực dân Pháp đô hộ, đàn áp, bóc lột, đau xót trước cảnh đồng bào bị mất nước nhà tan.

- Người không bằng lòng với các con đường cứu nước của các vị tiền bối.

- Bác muốn tìm hiểu đằng sau khẩu hiệu Tự do- Bình đẳng – Bắc ái mà Pháp đã đưa ra trong Bản Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.

* Quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920:

- Người qua Pháp và các nước thuộc địa ở châu Phi, châu Mỹ.

- Từ nửa cuối năm 1917, Người về Pháp và hoạt động ở đây đến năm 1923.

- Năm 1918, Người tham gia Đảng xã hội Pháp.

- Năm 1919, Người gửi đến Hội nghị của các nước đế quốc thắng trận sau chiến tranh thế giới thứ nhất họp ở Véc xây (Pháp) bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, yêu cầu thừa nhận quyền tự do dân chủ và bình đẳng của nhân dân Đông Dương, dưới ký tên là Nguyễn Ái Quốc.

- Tháng 7 năm 1920, Người đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin. Bản luận cương của Lênin làm cho Người cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng khi thấy ở đây cái cần thiết nhất cho con đường tự giải phóng, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào mình. Người đã khẳng đinh: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

- Tại đại hội Đảng xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (12/1920), Nguyễn Ái Quốc đã tán thành theo Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước chân chính, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. (chỉ ra ý nghĩa lịch sử)

Như vậy, sau bao năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, đến năm 1920, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã chọn cho đất nước con đường Cách mạng vô sản. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của Người. Điều này đã đưa Cách mạng Việt Nam sang trang mới, mở đầu cho việc giải quyết khủng hoảng đường lối cứu nước của dân tộc.

Nơi gửi:

- Phó hiệu trưởng ĐT (b/c);

- Các khoa chuyên môn (P/h);

- Giáo viên HD (T/h);

- Lưu khoa LLCT.

TRƯỞNG TIỂU BAN

 TRƯỞNG KHOA

 

 

 

 

Nguyễn Hữu Phước

GIÁO VIÊN LẬP ĐỀ CƯƠNG

 

 

 

 

Nguyễn Thị Phương Lan

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 110 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715