Phong trào nghiên cứu thiết kế thiết bị trường nghề: Phát huy trí tuệ, sáng tạo và nâng cao chất lượng đào tạo VTEC

Phong trào nghiên cứu thiết kế thiết bị trường nghề: Phát huy trí tuệ, sáng tạo và nâng cao chất lượng đào tạo

Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, trong thời gian qua, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã phát động phong trào nghiên cứu, thiết kế thiết bị dạy học cho đội ngũ giảng viên. Qua đó đã tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên phát huy trí tuệ tập thể, sáng tạo trong việc nghiên cứu, thiết kế các mô hình tự làm phục vụ giảng dạy; góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành.

Đội ngũ giảng viên của trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc nghiên cứu sáng tạo, thiết kế thiết bị thực hành dạy nghề. Ảnh Dương Chung
 

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về công tác đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn phải bảo đảm trang bị đầy đủ các thiết bị dạy nghề thiết yếu. Trên thực tế, các cơ sở đào tạo nghề rất khó có thể trang bị đầy đủ các thiết bị để học sinh - sinh viên thực hành. Bởi thế, việc phát động phong trào nghiên cứu, thiết kế thiết bị dạy học tự làm là một sáng kiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lao động lành nghề. Thầy Nguyễn Văn Đạt, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết: Nhà trường luôn coi trọng việc thực hành kỹ thuật giúp học sinh - sinh viên làm quen với mô hình thiết bị vận hành trên máy. Trước đây, khi chưa tự làm những mô hình, thiết bị thì việc dạy học gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi học sinh phải được tiếp cận với thực tiễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà trường cũng có điều kiện tổ chức cho sinh viên đi thực tế. Thậm chí, nếu có đi thực tế thì học sinh cũng chỉ được quan sát là chủ yếu, không được thực hành trên thiết bị… Vì vậy, nhà trường đã phát động đến 100% giảng viên nghiên cứu, thiết kế thiết bị dạy học tự làm. Việc tự tạo thiết bị dạy học không những giúp các giáo viên thuận tiện trong việc giảng dạy mà còn nâng cao chuyên môn cũng như thấy được hạn chế của mình trong việc xây dựng thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhờ được tiếp cận với mô hình thực tế này mà những năm gần đây, chất lượng học sinh - sinh viên sau khi ra trường đã đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Từ năm 2010 đến nay, nhiều đề tài của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thật Vĩnh Phúc được ứng dụng vào thực tế, phục vụ công tác giảng dạy như: “Mô hình hệ thống phun xăng điện tử trên ôtô”, “Mô hình mô đun đánh lửa điện tử trên ô tô”, “Mô hình điều hòa không khí trên ôtô”, “Mô hình hộp số tự động trên ôtô”, “Thiết kế điều khiển mức cho lò hơi nhà máy nhiệt điện bằng bộ điều khiển mờ chỉnh định tham số bộ điều khiển PID”, “Thực tập vi điều khiển PIC, AVR&89xxx”… Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thầy Lưu Đăng Khoa, khoa Điện - Điện tử đã thiết kế điều khiển mức đo lò hơi nhà máy nhiệt điện bằng bộ điều khiển mờ chỉnh định tham số bộ điều khiển PID. Thầy Khoa cho biết: “Trong sản xuất công nghiệp và dân dụng, lò hơi được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, ví dụ: Trong nhà máy, điện được dùng để tạo mô men quay như tuốc bin nhà máy nhiệt điện; trong sản xuất thuốc súng; mạ điện; giấy, vải, in, nhuộm và công nghiệp thực phẩm… Lò hơi cung cấp hơi nóng để sấy khô sản phẩm, gia nhiệt dung dịch mạ điện… Bên cạnh đó, lò hơi có những yêu cầu về điều khiển và duy trì mức nước, nhiệt độ, áp suất hơi. Do đó, lò hơi là một thiết bị phức tạp, vì vậy, nghiên cứu về điều khiển các đại lượng vật lý tiêu biểu của lò hơi đang là một nhiệm vụ cấp thiết cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp. Mô hình này đã được áp dụng vào công tác giảng dạy từ nhiều năm nay và mang lại hiệu quả tích cực”. Thầy Dương Văn Toàn (bộ môn Cơ khí - Động lực) cùng với đồng nghiệp đã sáng tạo mô hình “Hộp số tự động trên ôtô”. Mô hình sáng tạo với mong muốn mô phỏng thực tế trên ô tô, giúp học sinh - sinh viên có thể thấy được cấu tạo các chi tiết và hiểu được nguyên lý hoạt động “Hộp số tự động trên ôtô” một cách sinh động.

Em Phạm Thị Huyền, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết: “Trong mỗi tiết học thực hành, chúng em không những được quan sát mà còn được nghiên cứu, thực hành trực tiếp trên các mô hình của giảng viên nhà trường tự thiết kế. Qua đó, giúp chúng em hiểu được quá trình vận hành máy và thỏa sức say mê, sáng tạo, nghiên cứu trên các thiết bị học nghề”.

Với mong muốn giúp giảng viên và sinh viên khảo sát các mạch điện tử, từ cơ bản đến phức tạp, cũng như tổng hợp thành một hệ thống đo lường, điều khiển cụ thể, thầy Phạm Quang Quyết, Phó Trưởng khoa Khoa Điện tử - Điện lạnh, trường Cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp (Bình Xuyên) đã có sáng kiến nghiên cứu đề tài "Bàn thí nghiệm Điện tử vi điều khiển". Đề tài đã được áp dụng thành công trong quá trình giảng dạy một số môn học như: Đo lường điện, Điện tử cơ bản, Kỹ thuật điện tử tương tự... Theo thầy Quyết, trước kia, nhà trường chưa đáp ứng được thiết bị thực hành, học sinh - sinh viên chủ yếu là quan sát trực quan. Hiện nay, từ những sáng kiến, thiết kế thiết bị dạy học tự làm của giảng viên nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu thực hành của học sinh - sinh viên; giúp người học có thể thực hành trực tiếp trên các thiết bị.

Có thể thấy, việc tự làm thiết bị dạy nghề đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên phát huy được tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Minh Thu

 Theo: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/34544/phong-trao-nghien-cuu-thiet-ke-thiet-bi-truong-nghe-phat-huy-tri-tue-sang-tao-va-nang-cao-chat-luong-dao-tao.html
 

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 137 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715