KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ SINH HOẠT CHUYÊN MÔN VỀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 SO VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005 (tiếp theo) (Kỳ III từ điểm 13 đến điểm thứ 19)

Được đăng ngày Thứ hai, 19 Tháng 6 2017 08:09
Viết bởi Quản trị viên

Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi. Ảnh: quochoi.vn

Căn cứ vào Điều 689. Hiệu lực thi hành của bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực vào ngày 1/1/2017

Vào hồi 8h ngày 16 tháng 6 năm 2017 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lường Thị Pó – Trưởng khoa Lý Luận Chính Trị. Khoa tiếp tục tiến hành sinh hoạt chuyên môn về một số điểm thay đổi, điểm mới, điểm tiến bộ và điểm hạn chế của Bộ luật dân sự 2015 so với Bộ luật dân sự 2005 (kỳ III từ điểm 13 đến điểm 19) nhằm áp dụng kịp thời vào giảng dạy năm học 2017 -2018 đối với môn pháp luật.

Tham dự buổi sinh hoạt có đồng chí: Lường Thị Pó - Trưởng khoa Lý luận Chính trị chỉ đạo; đồng chí Đào Thị Hương Nga phụ trách nội dung cùng toàn thể các thầy cô giáo trong khoa Lý luận Chính trị tham gia thảo luận đóng góp ý kiến

Trong buổi sinh hoạt đồng chí Nga đưa ra 6 điểm mới (điểm 13 đến điểm 19) cần thảo luận

-Về pháp nhân (Điều: 74, 75, 76, 80, 82)

- Về sự tham gia của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 97 đến điều 100)

- Về sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác (Điều 101 đến 104)

- Về tài sản (Điều 105 đến 115)

- Về giao dịch dân sự (Từ điều 116 đến điều 143)

- Về chiếm hữu (Từ điều 179 đến điều 185)

Tất cả các đồng chí trong khoa đều đưa ra ý kiến của mình về các điểm khác và mới của bộ luật dân sự 2015 và đi đến thống nhất đưa vào giảng dạy trong học kỳ tới.

Qua buổi sinh hoạt, đồng chí Lường Thị Pó - Trưởng khoa Lý luận chính trị kết luận: Yêu cầu giáo viên khi giảng dạy các phần liên quan từ điểm 13 đến điểm 19 cần chú ý làm rõ được các vấn đề sau cho học sinh, sinh viên:

- Về pháp nhân: Để bao quát, dự báo được sự phát triển đa dạng của pháp nhân trong thực tiễn, BLDS quy định khái quát 02 loại pháp nhân (Điều 75-76):

      Pháp nhân thương mại: mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

      Pháp nhân phi thương mại: không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

      -      Về sự tham gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam:Bộ luật quy định, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương bình đẳng với chủ thể khác là cá nhân, pháp nhân khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này

          - Về sự tham gia của hộ gia đình, hợp tác xã: Bộ luật quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện hoặc là thành viên của mình

- Về tài sản: Để bảo đảm tính bao quát, minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, Bộ luật đã bổ sung quy định, theo đó, tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

      Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản phải được đăng ký theo quy định của bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác. Việc đăng ký tài sản phải được công khai.

      Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác, trong đó, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được quy định trong Bộ luật này và pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất được quy định trong Bộ luật này và Luật đất đai.

- Về giao dịch dân sự:Bộ luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về giao dịch dân sự theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do thể hiện ý chí, sự an toàn pháp lý, sự ổn định của giao dịch, quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình; Cụ thể như sau:

      Đối với giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, Điều 129 Bộ luật quy định: Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:

      + Giao dịch đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;

       + Giao dịch đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

- Về chiếm hữu: Bộ luật DS 2015 bổ sung chế định chiếm hữu như là tình trạng pháp lý về việc cá nhân, pháp nhân nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

      Theo chế định này, người chiếm hữu tài sản được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu là không ngay tình thì phải chứng minh. Người nào có tranh chấp với người chiếm hữu thì phải chứng minh rằng người chiếm hữu không có quyền chiếm hữu (Điều 183).

      Quy định này sẽ góp phần bảo đảm trật tự xã hội, sự ổn định của giao dịch, giá trị kinh tế của tài sản, sự thiện chí trong quan hệ dân sự.

Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2017. Đồng chí Lường Thị Pó – Trưởng khoa Lý luận Chính trị, yêu cầu tất cả giáo viên giảng dạy môn Pháp luật áp dụng đúng luật, cập nhật những văn bản mới nhất vào trong giảng dạy để đảm bảo tính hiệu lực của bộ luật dân sự 2015 kịp thời.

 

Nguyễn Thị Phương Lan & Đào Thị Hương Nga