NGUYÊN NHÂN XUNG ĐỘT QUỐC TẾ TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

Được đăng ngày Thứ ba, 03 Tháng 10 2017 00:27
Viết bởi Quản trị viên

           Ngày nay trên thế giới vẫn tồn tại rất nhiều cuộc xung đột. Bên cạnh những nỗ lực duy trì hòa bình, mở rộng hợp tác để phát triển, nhân loại vẫn đang phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột quốc tế lớn, nhỏ trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, tìm hiểu, phân tích được những nguyên nhân dẫn đến xung đột quốc tế là vấn đề bức thiết hiện nay.

Xung đột quốc tế mang tính chất rất phong phú, đa dạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung chủ yếu vào các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Nguyên nhân chính trị

Nguyên nhân sâu xa do sự mất cân bằng các tiêu chí để xem xét vị trí của một quốc gia trong hệ thống chính trị thế giới. Một quốc gia có thể có vị trí cao trong hệ thống tiêu chí này, nhưng lại có vị trí yếu hơn hoặc thấp hơn trong hệ thống tiêu trí khác, lúc đó xung đột quốc tế có thể xảy ra.

- Tranh chấp lãnh thổ các quốc gia.Vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng thường gắn với quá trình lịch sử lâu dài, phức tạp trong quan hệ giữa các nước, các cộng đồng dân tộc. Ví dụ như, sự tranh chấp lãnh thổ chủ yếu giữa Ấn Độ và Pakistan, nổ ra ngay sau khi Ấn Độ bị chia cắt năm 1947 – Pakistan tách ra, trở thành quốc gia độc lập. Mấu chốt của những bất đồng trong quan hệ Ấn Độ và Pakistan là hành động tranh chấp ở khu vực biên giới Kashmir do lịch sử để lại. Kashmir hiện được chia làm hai phần: một do Ấn Độ cai quản và phần kia là của Pkistan. Từ khi được trao trả độc lập, hai nước này đều coi Kashmir – vốn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là mảnh đất thiêng liêng, lãnh thổ bất khả xâm phạm của mình.

- Sự khác biệt về hệ tư tưởng, thể chế chính trị. Các cuộc bạo loạn, đảo chính chính trị dã và đang diễn ra ở Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi hiện nay là những nhân chứng tiêu biểu cho các xung đột có nguyên nhân chính trị.

- Các hành vi thiếu trách nhiệm trong quan hệ quốc tế. Thực tế quan hệ quốc tế cho thấy quốc gia theo đuổi những lợi ích vị kỷ, có thái độ và hành động thiếu cân nhắc về hậu quả, làm phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia như:

            + Không tôn trọng, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực, thể chế quốc tế

            + Xác định và thực hiện lợi ích quốc gia một cách vị kỷ, làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế và các quốc gia khác

            + Có hành vi làm tổn hại đến hòa bình, an ninh khu vực và không thực lòng, không thiện chí muốn giải quyết các tranh chấp quốc tế

            + Không thiện chí đóng góp, hoặc đóng góp không tương xứng với khả năng vào các nỗ lực quốc tế để giải quyết các hiểm họa toàn cầu

            Ví dụ: Ấn Độ tố cáo Pa-kít-xtan là quốc gia thiếu trách nhiệm trong việc bao che, tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ, đặc biệt là cuộc tấn công đẫm máu vào thành phố Mubai cuối năm 2008. Nhà nước Taliban ở Áp-ga-ni-xtan cũng đã từng bị tố cáo che trở và nuôi dưỡng mạng lưới khủng bố AL Qeada, những kẻ chủ mưu và thực hiện vụ tấn công đấu máu 11/9 tại Mỹ năm 2001.

           

Thứ hai: Nguyên nhân tôn giáo, sắc tộc

            Các xung đột tôn giáo cũng rất phức tạp và khó giải quyết, do liên quan đến các chuẩn mực giá trị, đạo đức của các cộng đồng dân tộc, có lịch sử lâu dài và thường liên quan đến nhiều quốc gia, ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Cuộc tranh giành đất thánh Jerusalem của các tôn giáo lớn: đối với Thiên Chúa Giáo, Jrusalem là nới chúa Jesus qua đời và còn lưu lại rất nhiều thánh tích cổ tại đây. Người hồi giáo xem Jerusalem là nơi nhà tiên tri Mohammed bay về trời trong khi người theo Do Thái xen Jerusalem là nơi chứa đựng bản sắc của toàn bộ dân tộc Do Thái, là nơi có đền thờ thiêng liêng của vua Salomon. Cuộc xung đột có những nguyên nhân sắc tộc và tôn giáo

 

                    Thứ ba: Nguyên nhân thương mại

            Xung đột diễn ra khi một nước cho rằng một nước khác vi phạm thỏa thuận đã cam kết, khi mà mục đích và nguyên tắc cùng có lợi trong quan hệ thương mại không được đảm bảo.

Tranh chấp diễn ra khi có sự khác nhau giữa các quốc gia về tập quán kinh doanh

Ví dụ: Đối với Việt Nam, từ năm 1995 đến nay, đã phải đối mặt với khoảng hơn 30 vụ kiện chống bán phá giá, điển hình là vụ kiện cá tra – basa và tôm do Hoa Kỳ khởi kiện năm 2002, vụ kiện giầy da do EU khởi kiện năm 2005, vụ điều tra chống bán phá giá đối với giầy không thấm nước do Canada tiến hành thực hiện năm 2009…

Tranh giành các nguồn tài nguyên. Nguyên nhân xảy ra các cuộc chiến tranh và xung đột vì nguồn nước. Xung đột trong quá trình quản lý tài nguyên nước thường xảy ra giữa nhiều nhóm đối tượng, nhiều bên liên quan trên các địa bàn khác nhau do lưu vực các con sông thường trải rộng trên nhiều quốc gia dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh về sử dụng nguồn nước. Năm 1967, ngay trước thời điểm diễn ra cuộc chiến 6 ngày, Syria đã tiến hành xây đập trên sông Yarmuk, là sông mẹ của sông Jordan, nuối sống hàng triệu cư dân nước láng giềng Do Thái. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, quân đội Isael đã đè bẹp quân đội 3 nước Ả Rập, phá hủy con đập trên sông Yarmuk và chiếm một vùng đất rộng lớn gấp 4 lần lãnh thổ của mình: Cao nguyên Golan, Dải Gaza, vùng Đông Jerusalem, Bờ Tây sông Jodani. Từ đó đến nay, các vùng đất này luôn là mối mâu thuẫn gây nên sự xung đột giữa các nước Ả Rập và Israel. Sự xuất hiện các chủ thể quan hệ chính trị quốc tế mới, phi truyền thống, chủ thể “ngoài chính quyền”, “ngoài quốc gia” trong bối cách toàn cầu hóa.

            Bốn là: Một số nguyên nhân khác

- Sự phát triển chênh lệch về điều kiện kinh tế, văn hóa giữa cá địa phương đối lập với sự tập trung cao độ ở trung ương

- Những quốc gia có sự thay đổi chính trị, kinh tế lớn, dẫn đến sự ra đời các thế lực chính trị, kinh tế mới

- Sự yếu kém của bộ máy chính quyền, sự yếu kém phát triển của văn hóa hòa giải trong xã hội, của cơ cấu dân chủ có vai trò đảm bảo sự điều phối và giải quyết các tình huống mâu thuẫn, xung đột, nhất là sự yếu kém của hệ thống pháp luật, của cơ cấu trung gian, hòa giải không giải quyết được các mâu thuẫn, xung đột khi nó mới xuất hiện

- Những khó khăn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, những hạn chế các quyền cơ bản của con người về tự do, dân chủ, tín ngưỡng,… không được giải quyết một cách cơ bản, kịp thời xẽ dẫn đến những cuộc bạo loạn, xung đột. Những cuộc xung đột xáy ra ở các quốc gia Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi hiện nay đều bắt đầu từ những nguyên nhân bên trong đó và đã trở nên gay gắt, khó giải quyết.

Có thể thấy rằng, quan hệ quốc tế luôn vận động, chuyển biến không ngừng. Ngày nay, dưới tác động của toàn cầu hóa, quá trình đó lại diễn ra càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Xung đột là một trong những quá trình cơ bản của quan hệ quốc tế. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng các cuộc xung đột với những nguyên nhân khác nhau vẫn sẽ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Hiểu rõ về xung đột quốc tế cho phép chúng ta nhận thức đúng đắn hơn quan hệ quốc tế để có thể ngăn chặn và giải quyết kịp thời các tình huống, các nguy cơ xung đột và chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế./.

                                                  Người viết bài Lường Thị Pó- Đặng Phương Diệp