QÚA TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Được đăng ngày Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 00:40
Viết bởi Quản trị viên

Suốt 73 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, sự che chở của nhân dân, quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt nam đã tạo nên những chiến công lẫy lừng, ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

* Quá trình hình thành

         Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “ Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Tháng 12/1944, chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng quân. Ngày 22/12/ 1944 tại khu rừng Sam Cao nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ban đầu gồm 34 chiến sĩ trong đó có 3 nữ với 34 khẩu súng các loại, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy chung. Mặc dù chỉ có 34 chiến sĩ nhưng đều là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, cứu quốc quân… là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc, siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

         Chỉ sau thành lập vài ngày, thực hiện lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng”, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiến công đồn Phai Khắt; ngày 26/12/1944 tiến công đồn Nà Ngần. Cả hai trận đánh đầu tiên, Quân đội ta đều giành thắng lợi, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước các kẻ thù xâm lược.

         Tháng 4/1945, Trung ương Đảng  quyết định thống nhất lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân) thành Việt Nam Giải phóng quân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày hôm nay.

         * Ý nghĩa lịch sử

         Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22-12-1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc. Từ đó đến nay ngày 22/12 không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội quốc phòng Toàn dân . Mỗi năm cứ đến ngày này toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất bộ đội cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội bảo vệ tổ quốc.

         Phát huy thành tích to lớn đã đạt được trong 73 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi: Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Người Viết: Hoàng Thị Ngọc Lan

Đào Hữu Bằng