LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ, MÙNG 8 THÁNG 3

Được đăng ngày Thứ năm, 08 Tháng 3 2018 12:42
Viết bởi Quản trị viên

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ,

MÙNG 8 THÁNG 3

 

* Lịch sử hình thành

Ngày mùng 8 tháng 3 bắt đầu từ phong trào của các nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Ngày 8/3/1857 những người nữ công nhân đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. 51 năm sau 8/3/1908, nhân kỷ niệm sự kiện tháng 3/1857, một cuộc biểu tình của các nữ công nhân Mỹ đòi quyền bầu cử, chấm dứt tình trạng ngược đãi công nhân và bóc lột sức lao động trẻ em, tuy nhiên cuộc đấu tranh này đã bị dập tắt bởi lực lượng cảnh sát.

Những cuộc đấu tranh đó đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc bây giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sỹ cách mạng lỗi lạc là bà Colaza Zétkin (người Đức) và bà Rôgia Lúcxămbua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bàCrúpxkaia (người Nga) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào phụ nữ.

Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, Hội nghị phụ nữ thế giới được tổ chức tại Đan Mạch, bà Colaza Zétkin cùng hơn 100 đại biểu phụ nữ từ 17 quốc gia đã đề nghị lấy ngày mùng 8/3 là ngày quốc tế phụ nữ, đồng thời là một chiến lược nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng, bao gồm cả việc phụ nữ được quyền bỏ phiếu.

Năm 1911, ngày quốc tế phụ nữ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 19/3 ở Áo, Đan Mạch và Thuỵ Sỹ với hơn 1 triệu người tham gia, chỉ riêng ở đế chế Áo – Hung đã có 300 cuộc biểu tình, phụ nữ yêu cầu họ được quyền bầu cử, quyền được  giữ chức vụ công và phản đối việc phân biệt đối xử về giới tính trong việc làm.

Các sự kiện đáng chú ý khác về ngày 08/3 sau đó như: Cuộc đấu tranh lớn tại Nga, vào ngày 23/2/1917 theo lịch Nga và là ngày mùng 8/3 theo lịch của Công giáo, những nữ công nhân đã tấn công ồ ạt khắp đường phố của Nga. Sự kiện sau này được đánh giá là một trong những tác nhân châm ngòi cho cách mạng tháng 10 Nga. Ngoài ra, còn rất nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới cũng nổ ra vào tháng 3 lịch sử.

Năm 1975 Liên Hợp Quốc đã lấy ngày mùng 8/3 hàng năm làm ngày quốc tế phụ nữ. Hai năm sau Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày này như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hoà bình cho thế giới.

* Ý nghĩa

Đối với một số nước trên thế giới, ngày mùng 8/3 được coi là ngày lễ chính trong năm và được tổ chức rất trọng đại, trong những ngày này những người đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời họ như Mẹ, vợ hoặc là bạn gái.

Tại một số quốc gia ngày mùng 8/3 được kỷ niệm bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới, ở các vấn đề thực tiễn như mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, hay là điều kiện an sinh xã hội, chống mại dâm và bạo hành với phụ nữ…

Ngày 8/3 ở Việt Nam được kỉ niệm hết sức trang trọng: một ngày tràn ngập hoa, quà ý nghĩa và vô vàn lời chúc tốt đẹp dành cho các chị em phụ nữ, ở tất cả mọi nơi trên mọi miền tổ quốc. Đối với nam giới thì ngày mùng 8/3 còn là cơ hội để thể hiện sự quan tâm, trân trọng, nâng niu người phụ nữ trong trái tim mình, những hành động đó không chỉ là lời tri ân, mà còn là món quà đặc biệt thiêng liêng, có ý nghĩa vô gia đối với người phụ nữ, đồng thời là lời nhắn nhủ, thông điệp của “giới mày râu” muốn phần nào bù đắp, san chia những hy sinh thầm lặng, những nỗi cực nhọc trong cuộc sống bộn bề song người phụ nữ đã dành tất cả tình yêu và nhiệt huyết cho gia đình – tổ ấm hạnh phúc của mỗi con người.

Người viết: Lường Thị Pó

Hoàng Thị Ngọc Lan