50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1968-2018)

NGƯT- TS. Tạ Quang Thảo

Bí thư Đảng bộ - Hiệu trưởng

      

          Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc tiền thân là trường Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phú (1968 – 1987), trường dạy nghề nông nghiệp Vĩnh Phú (1987 – 1997), Trường dạy nghề nông nghiệp Vĩnh Phúc (1997 – 1998), trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc (1998 – 2007). Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, các thể hệ cán bộ, giáo viên, học sinh – sinh viên luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vun đắp bề dày truyền thống của nhà trường. Kết quả đạt được của các thế hệ thầy và trò trong 50 năm qua là rất trân trọng.

* Giai đoạn: Trường Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phú (1968 - 1987)

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cơ giới hóa nền nông nghiệp, phát triển kinh tế góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đội máy kéo số 18 Vĩnh Phúc được thành lập vào năm 1960, ban đầu số cán bộ và công nhân có 8 người và 2 máy kéo. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, thiết bị và công nhân phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp tăng mạnh, địa bàn hoạt động rộng. Đến năm 1962 Đội máy kéo số 18 Vĩnh Phúc được đổi tên là Trạm máy kéo Vĩnh Phúc. Nguồn nhân lực trình độ trung cấp, kỹ sư cơ khí nông nghiệp và công nhân lái máy kéo do các Trường của Nhà nước đào tạo và bổ sung về cho các tỉnh trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 26-1-1968, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú. Tháng 3-1968, theo Quyết định của Chính phủ, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Theo đó, 2 Trạm máy kéo của 2 tỉnh hợp nhất lấy tên là Trạm quản lý cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phú. Thời kỳ này cơ giới hóa nông nghiệp của miền Bắc được đẩy mạnh; máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Vì vậy, các Trạm máy kéo trong tỉnh được cung cấp thiết bị, máy móc ngày càng nhiều. Trong khi đó đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân cơ khí nhỏ, công nhân lái máy kéo, máy làm đất do các trường Trung ương đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trước yêu cầu trên, tháng 10/1968 UBND tỉnh Vĩnh Phú ra Quyết định thành lập trường Cơ khí nông nghiệp trực thuộc Trạm quản lý Cơ khí nông nghiệp - Ty nông nghiệp Vĩnh Phú; với chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý, đào tạo công nhân lái máy kéo, máy làm đất, dịch vụ nông nghiệp; công nhân cơ khí nhỏ nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực công nhân kỹ thuật cho Ngành nông nghiệp (các trạm, trại) phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những ngày đầu thành lập thuận lợi là cơ bản, tuy nhiên gặp rất nhiều khó khăn: Địa điểm tạm thời, phân tán (trụ sở chính đóng tại Xã Trung Hà - Huyện Yên Lạc – Tỉnh Vĩnh Phú, tổ dạy thực hành tại xã Kim Long - Huyện Tam Dương); cơ sở vật chất thiếu thốn: Nhà làm việc, lớp học mượn phòng làm việc, hội trường, phòng họp của xã; các hoạt động ăn, ở, sinh hoạt... chủ yếu đều phải mượn của dân. Thời kỳ đầu, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên có hơn 20 người. Cơ cấu tổ chức gồm Ban Giám hiệu: ông Lê Sỹ Hiệp - Tỉnh ủy viên (Trạm trưởng Trạm quản lý Cơ khí nông nghiệp) - Hiệu trưởng, ông Tô Quang Nuôi (Trạm phó Trạm quản lý Cơ khí nông nghiệp) - Phó Hiệu trưởng; hai ban: Ban đào tạo và Ban nghiệp vụ hành chính. Về đào tạo (theo dự án thành lập trường) mỗi năm nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo hơn 100 học viên. Ngành nghề đào tạo: Công nhân lái máy kéo, công nhân cơ khí nhỏ và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động xí nghiệp, trạm máy kéo, sửa chữa cơ khí nhỏ ... ngành Nông nghiệp của tỉnh. Đứng trước hàng loạt khó khăn, thử thách, song nhà trường nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của ngành Nông nghiệp Vĩnh Phú, cùng với tinh thần quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, ngay trong khóa đầu tiên, năm học 1968-1969 nhà trường tuyển sinh và đào tạo tổng số 120 học viên (thời gian đào tạo 01 năm); khóa thứ 2, năm học 1969-1970 tuyển sinh , đào tạo 100 học viên. Tuy nhiên, Đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam và dùng lực lượng không quân ném bom đánh phá miền Bắc rất ác liệt, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, người học, nhà trường tạm dừng tuyển sinh năm học 1971-1972; 1972 - 1973.

Năm 1974 theo kế hoạch nhà trường được UBND tỉnh điều chuyển về tiếp quản Trạm máy kéo huyện Bình Xuyên nhưng do điều kiện khách quan, UBND tỉnh đồng ý nhà trường chuyển địa điểm về xã Hợp Thịnh - Huyện Tam Dương, cơ sở vật chất: Tháo dỡ nhà, xưởng của Trạm máy kéo huyện Bình Xuyên về xây dựng tạm làm lớp học (ông Phạm Đặng phụ trách); ăn, ở, sinh hoạt... chủ yếu phải nhờ nhà dân. Cơ cấu tổ chức: Ông Đỗ Trọng Vấn (Phụ trách xưởng sửa chữa cơ khí nông nghiệp của tỉnh, Phó phòng Kế hoạch lao động của Công ty máy kéo) được giao phụ trách trường, gồm 02 ban (Ban đào tạo, Ban nghiệp vụ hành chính). Nhà trường tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyển sinh, đào tạo các khóa 3,4, 5, 6 với số lượng hơn 100 học sinh/năm, thời gian đào tạo tập trung dài hạn (01 năm), đảm bảo chất lượng đào tạo góp phần cung cấp nhân lực công nhân kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Năm 1978 trường Cơ khí nông nghiệp chuyển về tiếp quản nhà máy Đại tu ôtô 19/5 (xã Hoàng Đan - Huyện Tam Đảo) với diện tích 15ha (trên ba quả đồi); nhà xưởng xuống cấp và không phù hợp với công năng đào tạo của nhà trường, kinh phí của tỉnh đầu tư cho nhà trường rất hạn hẹp. Cơ cấu tổ chức: Ông Cao Đức Phong - Hiệu trưởng, ông Đỗ Trọng Vấn - Phó Hiệu trưởng, ông Hà Văn Tuất – Phó Hiệu trưởng. Tỉnh Vĩnh Phú điều động một số kỹ sư và công nhân cơ khí nhỏ, công nhân lái máy kéo bậc cao về Trường để bổ sung cho đội ngũ giáo viên, trường Công nghiệp (TP Việt Trì) được sáp nhập vào trường (năm 1980). Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường là 45 người, gồm: Phòng Nghiệp vụ Hành chính và Phòng Giáo vụ, 02 Ban (Ban Cơ khí lớn và Ban Cơ khí nhỏ). Ngành, nghề đào tạo chủ yếu là công nhân sửa chữa, vận hành máy kéo, máy cày; các loại máy nổ kèm theo máy công tác (máy bơm nước, máy xay sát dao...); thời gian đào tạo 01 năm, đào tạo bậc thợ 2/7. Mặc dù công tác giảng dạy, quản lý tài sản, quản lý học sinh, đời sống cán bộ, giáo viên, học sinh gặp rất nhiều khó khăn; nhưng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo nhà trường, hàng năm nhà trường hoàn thành tốt chỉ tiêu đào tạo được giao: Tuyển sinh, đào tạo từ 100 – 200 học sinh/năm, thi nâng bậc cho công nhân lái máy kéo, công nhân sửa chữa cơ khí nhỏ từ 50- 80 lượt học viên/ năm. Từ khi thành lập nhà trường đã cung cấp hàng ngàn công nhân kỹ thuật chất lượng tốt cho Ngành.

Giáo viên chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh tốt nghiệp xuất sắc nghề Sửa chữa cơ khí, tháng 7/1979

Giáo viên chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh tốt nghiệp xuất sắc nghề Điện CN& DD; nghề Sửa chữa cơ khí nông nghiệp, tháng 7/1979

* Giai đoạn: Trường Dạy nghề nông nghiệp Vĩnh Phú(1987 - 1996); Trường Dạy nghề nông nghiệp Vĩnh Phúc (1/1997 – 5/1998).

Năm 1987, trước yêu cầu nhiệm vụ mới tại Quyết định số 179/QĐ ngày 7/5/1987 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Vĩnh Phú v/v thành lập trường Dạy nghề nông nghiệp Vĩnh Phú; trên cơ sở hợp nhất hai trường: Trường Cơ khí nông nghiệp và trường Quản lý hợp tác xã nông nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp Vĩnh Phú.

Sơ lược về trường Quản lý hợp tác xã nông nghiệp: Trường trực thuộc Sở Nông nghiệp Vĩnh Phú (thành lập năm 1968). Năm 1968-1975 địa điểm đóng tại Thôn Đông Lỗ – xã Trung Nguyên – Yên Lạc. Năm 1975 - 1987 địa điểm đóng tại Đồi Mơ - Xã Lũng Hòa- Vĩnh Lạc. Chức năng nhiệm vụ của Trường bồi dưỡng, tập huấn về kế toán, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các Hợp tác xã (HTX) trong tỉnh (thời gian học từ 01-02 tháng). Hiệu trưởng các thời kỳ: Ông Nguyễn Văn Hồng (1968 -1977), ông Nguyễn Nhâm (1977-1985), ông Nguyễn Hữu Phiệt (1985-1987). Đến năm 1987 Trường đã bồi dưỡng, tập huấn (cấp Giấy chứng nhận) cho trên 1520 người là Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm HTX; trên 3420 người là kế toán, kế hoạch, định mức của các HTX.

Trường Dạy nghề nông nghiệp Vĩnh Phú bắt đầu hoạt động từ 01/6/1987; Địa điểm tại đồi Mơ -  Xã Lũng Hòa - Huyện Vĩnh Lạc – Tỉnh Vĩnh Phú (khu trường Quản lý HTX nông nghiệp và Trạm thú y tỉnh); toàn bộ cơ cấu tổ chức và tài sản của trường Công nhân cơ khí nông nghiệp đóng tại xã Hoàng Đan (huyện Tam Đảo) được chuyển về địa điểm mới để tu bổ và hoàn chỉnh cơ sở vật chất. Chức năng, nhiệm vụ (theo Đề án) đào tạo công nhân cơ khí, công nhân điện và bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên kế toán, nghiệp vụ cho các hợp tác xã; bồi dưỡng, thi nâng bậc cho công nhân lái máy kéo, công nhân sửa chữa cơ khí; thi chuyển đổi bằng lái máy kéo trên đồng ruộng sang lái máy kéo trên đường.. Trường có tổng số 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên; cơ cấu tổ chức gồm: Ông Cao Đức Phong - Hiệu trưởng, ông Nguyễn Hữu Phiệt - Phó Hiệu trưởng; gồm 02 phòng: Phòng Tổ chức - Hành chính, nghiệp vụ và Phòng Kế hoạch giáo vụ; 03 Tổ bộ môn (Cơ khí, Điện, Kinh tế). 

Chuyển về địa điểm mới, mặc dù cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị phục vụ giảng dạy rất khó khăn, nhưng nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được giao. Tuyển sinh và đào tạo công nhân lái máy kéo, công nhân sửa chữa cơ khí nhỏ (bậc 2/7) 100 -150 học sinh/năm; bồi dưỡng ngắn hạn (quản lý kinh tế, nghiệp vụ; vận hành, quản lý lưới điện của các Hợp tác xã) 200 học viên/ năm. Do cơ chế trong sản xuất nông nghiệp thay đổi, nhu cầu đào tạo công nhân lái máy kéo, công nhân cơ khí nhỏ, nhân viên kế toán, nghiệp vụ giảm mạnh.Vì vậy, công tác tuyển sinh, đào tạo của Trường gặp nhiều khó khăn. Được sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp Vĩnh Phú nhà trường đổi mới phương thức, nội dung đào tạo đáp ứng với sự thay đổi của cơ chế sản xuất nông nghiệp. Thực hiện nhiều giải pháp: Chủ động điều tra nhu cầu đào tạo nhân lực của các địa phương trong tỉnh, thực hiện đa dạng hóa loại hình (dài hạn, ngắn hạn; đào tạo tại trường, đào tạo tại cơ sở…); đa dạng hóa ngành nghề, trình độ đào tạo, tập trung những ngành, nghề xã hội cần như: Công nhân cơ điện, quản lý lưới điện nông thôn, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng; bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ (kế toán, quản lý) cho cán bộ Hợp tác xã…Vì vậy, nhà trường luôn hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao, quy mô tuyển sinh, đào tạo từ 100 - 150 học sinh /năm và phát triển bền vững. Mặt khác, hàng năm nhà trường tiến hành rà soát, tinh giảm biên chế (nghỉ chế độ hưu trí, nghỉ hưởng chế độ 176, chuyển công tác…) đến năm 1996 tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn 22 người.

Lãnh đạo Nhà trường và giáo viên dạy lớp công nhân Điện tại Xã Ngũ Kiên – Huyện Vĩnh Lạc – Vĩnh Phú, tháng 11/1990

Bế giảng lớp QLKT – K6  tháng 7/1991

Tháng 01 năm 1997 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Trường chuyển về tỉnh Vĩnh Phúc và được đổi tên thành trường Dạy nghề Nông nghiệp Vĩnh Phúc trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc. Thực hiện Thông báo số 35/TB  ngày 24/5/1997 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trường được chuyển về đóng tạm thời tại Đồi F 411(Đồi Ga) thuộc Phường Đống Đa - Thị xã Vĩnh Yên cùng với trường Chính trị Tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật Tỉnh, Công ty tư vấn kiến trúc, Ban quản lý thị trường Tỉnh, Kho bạc nhà nước Tỉnh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên 22 người, cơ cấu tổ chức không thay đổi. Cơ sở vật chất: Quản lý và sử dụng 03 nhà mái bằng, 02 nhà cấp 4 có 28 gian (nhà được xây dựng từ thời Pháp) làm phòng làm việc và lớp học; trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, điện, nước…) thiếu thốn, rất khó khăn; thư viện với 500 đầu sách. Mặc dù địa điểm tạm thời, cơ sở vật chất rất khó khăn thiếu thốn nhưng với sự đoàn kết thống nhất của cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Tuyển sinh và đào tạo công nhân Điện bậc 2/7, đồng thời chuyển hướng tuyển sinh và đào tạo hệ trung học nghề với số lượng 110 học sinh, liên kết với Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp để dạy nghề cho học sinh phổ thông. Năm học 1997-1998  tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên 30 người; quy mô đào tạo 153 học sinh dài hạn chính quy, bồi dưỡng ngắn hạn 223 học viên, tập huấn luật HTX 56 người. 

Lãnh đạo nhà trường cùng học sinh Lớp sơ cấp CNTY K1(3/1998) tại đồi F411  

* Giai đoạn: Trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc (1998 - 2007).

Tỉnh Vĩnh Phúc mới được tái lập, nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực kinh tế, kỹ thuật đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh là rất lớn. Do đó việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ phát triển  ngành nông nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung là rất cần thiết và cấp bách. Sở Nông nghiệp & PTNT Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại Tờ trình số 828/TT-TCCB ngày 01/11/1997 của Sở Nông nghiệp & PTNT về việc xin nâng cấp trường Dạy nghề nông nghiệp thành trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc. Trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc được thành lập tại Quyết định số 1510/QĐ-UB ngày 8 tháng 6 năm 1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Nông nghiệp, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc. Chức năng, nhiệm vụ: Đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ chuyên môn (kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ) bậc THCN và dưới bậc THCN phục vụ nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Nghiên cứu và thực nghiệm khoa học - công nghệ, kỹ thuật phục vụ đào tạo và sản xuất kinh doanh; Liên kết đào tạo, bồi dưỡng và thi nâng bậc cho công nhân các doanh nghiệp.

 Cơ cấu tổ chức gồm: Ban giám hiệu (Ông Cao Đức Phong – Hiệu trưởng, ông Nguyễn Hữu Phiệt – Phó Hiệu trưởng); 03 phòng chức năng (Đào tạo,Tổ chức- Hành chính, Quản trị - Đời sống); các Ban, tổ bộ môn (Ban Cơ điện, Tổ môn Kinh tế, Tổ môn Kỹ thuật nông nghiệp), Ban quản lý KTX. Ngành nghề đào tạo: Bậc THCN 03 ngành, đào tạo nghề công nhân cơ điện bậc 2/7, đào tạo hệ Bổ túc THPT + Nghề.

Huyện Tam Đảo được chia tách thành 02 huyện: Huyện Tam Dương và Huyện Bình Xuyên. Tháng 9/1998 trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc cùng với Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trường Chính trị tỉnh được chuyển về tiếp quản cơ sở vật chất của UBND huyện Tam Đảo (cũ), Chi cục thi hành án dân sự Huyện Tam Dương (phường Hội Hợp – TX Vĩnh Yên), với tổng diện tích hơn 2 ha. Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc được tiếp quản và sử dụng: 01 nhà 3 tầng, hệ thống nhà ăn, nhà kho, nhà làm việc cấp 4 (những nhà này được xây dựng từ những năm 1960 rất chật hẹp và xuống cấp). Năm đầu thành lập năm học 1998-1999 quy mô đào tạo 528 học sinh (12 lớp) ngành nghề đạo tạo: Kế toán, Thống kê, Địa chính, Chăn nuôi thú y, Cơ điện. Tháng 9/2000 ông Tạ Quang Thảo được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng, tăng cường đội ngũ lãnh đạo nhà trường lên thành 03 người. Quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo tăng nhanh đến năm học 2000 - 2001 quy mô đào tạo 856 học sinh hệ chính quy; bồi dưỡng ngắn hạn trên 200 học viên; mở thêm ngành nghề mới hệ trung cấp ( Điện, Thủy lợi, Trồng trọt, Chăn nuôi thú y); KTX có lưu lượng 150 – 200 học sinh. Tháng 10/2001 cơ cấu tổ chức của trường: Ban giám hiệu 04 phòng chức năng (Đào tạo, HCTC, QTĐS, KHTC), 04 khoa (Cơ điện, Kinh tế, KTNN, Khoa Chung).

Cơ sở vật chất được Tỉnh bổ sung: 8/2000 nhà trường được tiếp quản Trạm chuyển giao tiến bộ KHKT Nông – Lâm nghiệp (nay là Xưởng cơ khí); 08/2002 tiếp quản Trại cá An Hòa – Tam Dương (nay là Trại TNTH thuộc khoa KTNN). Tháng 9/2004 tiếp tục được tiếp quản Trường Trung học cơ sở Tam Dương (nay là khu cơ sở 2 tại Thôn Đông Hòa, Phường Đồng Tâm, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Cơ sở vật chất được bổ sung, tuy nhiên trụ sở chính có 04 cơ quan hoạt động chung khuân viên; các cơ sở mới được tiếp nhận xa trung tâm, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng; trang thiết bị phục vụ đào tạo vừa thiếu, lạc hậu gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo và quản lý. Nhà trường thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, Ban, Ngành, chính quyên và nhân dân trong tỉnh, cùng với truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giáo viên, nhân viên; nhà trường ổn định và phát triển; quy mô, ngành nghề đào tạo của Trường tăng theo từng năm; tháng 9/2003 UBND tỉnh chính thức giao bổ sung nhiệm vụ  đào tạo hệ Bổ túc THPT + Nghề cho Trường. Chỉ tiêu biên chế được UBND tỉnh giao bổ sung, ngoài ra để đáp ứng quy mô đào tạo nhà trường phải hợp đồng thêm giáo viên, nhân viên dẫn tới tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tăng hàng năm.

Năm học 2004 - 2005 quy mô đào tạo trên 2326 học sinh (49 lớp) chính quy, trung cấp tại chức; liên kết đào tạo đại học tại chức trên 200  học viên; bồi dưỡng ngắn hạn hàng trăm học viên; đào tạo 11 ngành, nghề. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà trường cũng được thay đổi, bổ sung phù hợp với quy mô, nhiệm vụ đào tạo. Cơ cấu tổ chức, bộ máy: Cán bộ quản lý 03 người (Hiệu trưởng, 02 Phó Hiệu trưởng), 04 phòng chức năng (Đào tạo, TCHC, QTĐS, KHTC); 04 khoa chuyên môn (Cơ điện, Kinh tế, KTNN, Khoa Chung); 02 đơn vị trực thuộc: Trại TNTH, Xưởng trường; thư viện trên 1000 đầu sách. Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên 112 người (biên chế 51 người, hợp đồng 61 người).

Tháng 9/2005 ông Cao Đức Phong - Hiệu trưởng, tháng 01/2006 ông Nguyễn Hữu Phiệt – Phó hiệu trưởng, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí. Tháng 11/2005 ông Tạ Quang Thảo được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng; ông Nguyễn Văn Đạt được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng. Tháng 02/2007 ông Phan Văn Bảo được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng. Nhà trường tiếp tục tăng quy mô đào tạo, mở ngành nghề đào tạo mới đáp ứng nhiệm vụ được giao và nhu cầu của người học; một số phòng, khoa được thành lập mới.

Năm học 2006 -2007,tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên: 137 người, trong đó biên chế là 82 người; hợp đồng, khoán việc là 55 người.Cơ cấu tổ chức, bộ máy: Cán bộ quản lý 03 người (Hiệu trưởng, 02 Phó Hiệu trưởng), 05 phòng chức năng (Đào tạo, TCHC, QTĐS, KHTC, Công tác HSSV); 06 khoa chuyên môn (Cơ khí , Điện – Điện tử, Kinh tế, KTNN, Khoa Chung, Huấn luyện nghề ngắn hạn); Trại TNTH (Xưởng trường sáp nhập vào khoa Cơ khí). Đảng bộ (57 Đảng viên), Công đoàn, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và các Hội đồng tư vấn. Quy mô đào tạo: 2.300 học sinh chính quy, 910 học sinh bổ túc THPT, 462 học viên trung cấp tại chức, bồi dưỡng ngắn hạn trên 1.000 học viên, liên kết đào tạo đại học tại chức 463 học viên. Ngành nghề đào tạo: Trung cấp chuyên nghiệp 13 chuyên ngành; đào tạo nghề 10 nghề. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: 21 thạc sĩ, 73 người có trình độ đại học và sau đại học.Đội ngũ giáo viên được nhà trường quan tâm đầu tư tiếp tục cử đi bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; đi đào tạo thạc sĩ. Công tác nghiên cứu khoa học được tăng cường 20 đề tài cấp trường, 06 đề tài cấp tỉnh được nghiệm thu; biên soạn 30 giáo trình, tập bài giảng.

 Cơ sở vật chất: Nhà trường có 4 khu: Khu trung tâm (Cơ sở 1) được tiếp nhận thêm tài sản của trường Chính trị tỉnh (do chuyển về cơ sở mới) gồm 01 dãy nhà 3 tầng, hội trường (tháng 12/năm 2004); khu cơ sở 2 diện tích 0,52 ha;  Trại thí nghiệm và thực hành diện tích 8,2 ha; Khu xưởng thực hành cơ khí diện tích 1.797 m2. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập được UBND tỉnh quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng quy mô đào tạo. Nhà trường được UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh quan tâm đầu tư mở rộng khu Trung tâm trường thêm 2,1656 ha (nâng tổng diện tích khu Trung tâm là 4,41ha) tại Quyết định số 1931/QĐ-UBND ngày 18/8/2006 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc v/v Phê duyệt quy hoạch giới thiệu địa điểm mở rộng đầu tư xây dựng trường Trung học kinh tế - kỹ thuật tại phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên; Quyết định số 2812/QĐ-UBND ngày 06/11/2006 v/v thu hồi đất để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng trường Trung học kinh tế kỹ thuật Vĩnh Phúc; Quyết định số 1221/QĐ-CT ngày 27/12/2006 của Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên v/v Phê duyệt phương án bồi thường GPMB công trình Mở rộng trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc; Quyết định số 3121/QĐ- UBND ngày 30/10/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc v/v Phê duyệt Quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 tổng mặt bằng khu Trung tâm trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc tại phường Hội Hợp-TP Vĩnh Yên, quy mô 4,41ha. Nhà trường tiến hành các thủ tục, tiến hành xây dựng trường theo quy hoạch được duyệt. Trang thiết bị phòng thực hành, xưởng trường, phòng thí nghiệm được đầu tư đáp ứng quy mô đào tạo và theo hướng hiện đại. Thư viện được tăng cường tài liệu, giáo trình phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu với gần 10.000 đầu sách

* Giai đoạn: Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc (12/2007 đến nay).

Sau gần10 năm, kể từ khi trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc được thành lập, trước yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh Vĩnh Phúc. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh, sự ủng hộ và tin tưởng của nhân dân; sự nỗ lực phấn đấu của tập thể CB, GV, NV nhà trường không ngừng đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, phát triển về quy mô,uy tín và chất lượng của nhà trường được khẳng định và hội tụ đủ điều kiện của một trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật. Thực hiện Văn bản số 3586 /UBND – VX ngày 02/8/2006 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, v/v xây dựng Đề án nâng cấp trường Trung học kinh tế kỹ thuật thành Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vĩnh Phúc; nhà trường tiến hành xây dựng Đề án “Thành lập Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc trên cơ sở Trường Trung học kinh tế-  kỹ thuật Vĩnh Phúc”, lấy ý kiến góp ý các Sở, Ban, Ngành liên quan; chỉnh sửa hoàn chỉnh Đề án trình UBND tỉnh. UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát hành Văn bản số 3191 /UBND-VXI ngày 11/9/2007 v/v Nâng cấp Trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc thành trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo Đề án nâng cấp trường và đề nghị ra Quyết định Thành lập trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc trên cơ sở trường Trung học kinh tế - kỹ thuật

  Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc được thành lập tại Quyết định số 8254/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở nâng cấp trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc.

Đ/c Hoàng Trường Kỳ - PCT UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Lễ

Công bố Quyết định thành lập trường, ngày 19 tháng 3 năm 2008.

Chức năng, nhiệm vụ được giao: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn trong các ngành kinh tế, công nghệ, xây dựng, dịch vụ theo cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời trường là cơ sở nghiên cứu, triển khai tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ quản lý sản xuất kinh doanh và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Năm học 2008 – 2009: Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên: 137 người (biên chế 82 người; hợp đồng 55 người). Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: 21 thạc sĩ, 73 người có trình độ đại học và sau đại học. Đội ngũ giáo viên được nhà trường quan tâm đầu tư tiếp tục cử đi bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Cơ cấu tổ chức: Cán bộ quản lý 03 người (Hiệu trưởng: Ông Tạ Quang Thảo; Phó Hiệu trưởng: Ông Nguyễn Văn Đạt, ông Phan Văn Bảo), 05 phòng chức năng (Đào tạo, TCHC, QTĐS, KHTC, Công tác HSSV); 08 khoa chuyên môn (Điện – Điện tử, Cơ khí, Kinh tế, KTNN, Công nghệ thông tin, Cơ bản, Giáo dục thường xuyên, Huấn luyện nghề ngắn hạn); 01 đơn vị trực thuộc (Trại TNTH). Đảng bộ (57 đảng viên), công đoàn, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và các Hội đồng tư vấn. Quy mô đào tạo trên 2500 HSSV, Huấn luyện nghề ngắn hạn cho nông dân (NQ03) trên 5000 người/năm; ngành nghề đào tạo: 04 chuyên ngành bậc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp 13 chuyên ngành; đào tạo nghề 10 nghề.

Tháng 2/2010 được UBND tỉnh giao tiếp nhận trụ sở của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh; tháng 8/2011tiếp nhận Trụ sở Chi cục thi hành án dân sự huyện Tam Dương. Nhà trường được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh quan tâm đầu tư trở thành trường cao đẳng khang trang, hiện đại, cụ thể: Đầu tư kinh phí xây dựng nhà làm việc, giảng đường, ký túc xá theo quy hoạch (Khu trung tâm DT 4,41 ha). Đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành, thực tập đa dạng chủng loại và hiện đại.

Nhà trường tiếp tục được UBND tỉnh mở rộng diện tích đất xây dựng khu trung tâm Trường tại Quyết định số 2413/QĐ- UB ngày 04/8/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc v/v Phê duyệt địa điểm mở rộng trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc (3,4ha); Quyết định số 3397/ QĐ- UBND ngày 12/11/2010 v/v Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tổng mặt bằng điều chỉnh, bổ sung trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc (7,81ha). UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Kế hoạch số 2289/KH-UBND ngày 20/6/2011 về Phát triển trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, theo đó thực hiện lộ trình phát triển Trường hợp lý, khoa học và bền vững, trở thành Trường trọng điểm theo hướng đào tạo đa ngành chất lượng cao.

Do quy mô đào tạo tăng, nhà trường tuyển dụng bổ sung đội ngũ giáo viên, hợp đồng giáo viên thỉnh giảng. Tháng 9/2013 Ký túc xá HSSV hoàn thành đưa vào sử dụng, nhà trường thành lập Ban quản lý Ký túc xá. Tháng 10/2013 Trường được chuyển sang Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Phúc quản lý nhà nước. Trong quá trình quản lý và hoạt động đào tạo, nhà trường tiến hành rà soát, sắp xếp lại cơ cấu bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả (tháng 9/2013 sáp nhập Trại THTH vào khoa KTNN, hợp nhất khoa Giáo dục thường xuyên và khoa Cơ bản thành khoa Khoa học cơ bản, thành lập Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ với doanh nghiệp trên cơ sở sáp nhập khoa Huấn luyện nghề ngắn hạn và tổ hỗ trợ HSSV & Quan hệ với doanh nghiệp; 7/2018 sáp nhập Ban quản lý ký túc xá vào phòng Công tác HSSV...). Tháng 1/2017 Trường được chuyển về Sở Lao động TB& Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc quản lý nhà nước theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đến năm học 2018-2019 tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên: 193 người, trong đó biên chế là 133 người; hợp đồng 60 người. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: 06 Tiến sĩ, 95 Thạc sĩ, 76 người có trình độ Đại học và sau Đại học; đại học văn bằng 2 tiếng Anh: 78 người; 08 giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp: 03 người, Trung cấp: 16 người. Tham gia 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh, trên 30 đề tài nghiên cứu cấp trường chất lượng tốt. Quy mô đào tạo trên 3500 học sinh, sinh viên hệ chính quy; 67 lưu sinh viên Lào; bồi dưỡng ngắn hạn 250 - 300 học viên/năm; liên kết đào tạo đại học tại chức. Cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý gồm: Lãnh đạo quản lý 03 người (ông Phan Văn Bảo nghỉ chế độ hưu trí tháng 9/2015): Hiệu trưởng NGUT.TS Tạ Quang Thảo, các Phó Hiệu trưởng: TS Nguyễn Văn Đạt, Th.s Nguyễn Văn Đồng (được bổ nhiệm tháng 8/2017); 07 phòng chức năng (Đào tạo, QTĐS, TCHC, KHTC, KHCN&ĐN, Thanh tra KT& ĐBCL, Công tác HSSV); 07 khoa chuyên môn (Điện – Điện tử, Kinh tế, KTNN, Công nghệ thông tin, Khoa học cơ bản, Cơ khí, Lý luận chính trị); 02 đơn vị trực thuộc (Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ, Trung tâm tuyển sinh & Quan hệ với doanh nghiệp); Đảng bộ (109 đảng viên), các tổ chức chính trị - xã hội và các Hội đồng tư vấn. Thường xuyên củng cố ngành nghề đào tạo truyền thống; tiếp tục mở mã ngành đào tạo mới. Đến nay nhà trường đang đào tạo trình độ cao đẳng: 11 ngành (nghề); trình độ trung cấp 16 ngành (nghề); trình độ sơ cấp 10 ngành (nghề).

Chất lượng đào tạo: Tỷ lệ HSSV tốt nghiệp hàng năm đạt tỷ lệ trên 98% (trong đó trên 54% khá, giỏi); nhiều HSSV đạt giải học sinh giỏi, tay nghề giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; chinh phục đỉnh cao các cuộc thi sáng tạo robôt Việt Nam (năm 2013, 2014, 2015), đặc biệt đạt giải Ba chung kết toàn quốc cuộc thi sáng tạo robôt Việt Nam năm 2018 được tổ chức tại Vĩnh Phúc.

Cơ sở vật chất của trường được Tỉnh quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Trang thiết bị các phòng thực hành, xưởng trường phong phú về chung loại, hiện đại; thư viện được xây dựng hiện đại với mạng internet băng thông rộng và trên 11.000 đầu sách đáp ứng quy mô, nhiệm vụ đào tạo.

NGƯT- TS. Tạ Quang Thảo chủ trì hội thảo 50 năm xây dựng và phát triển (1968-2018) ngày 29/9/2018

* Kết luận:

          Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phú, tỉnh Vĩnh Phúc các thời kỳ; sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; cùng với sự đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên; nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích vun đắp bề dày truyền thống tốt đẹp của nhà trường. Nửa thế kỷ qua nhà trường đã đào tạo hàng chục vạn cán bộ kinh tế, kỹ thuật trình độ cao đẳng, trung cấp và công nhân kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc và cả nước. Nhiều cựu học sinh, sinh viên của trường đã thành công trong quản lý, sản xuất kinh doanh và đã trở thành cán bộ chủ chốt cơ quan, đơn vị; doanh nhân thành đạt. Nhà trường từng bước khẳng định là địa chỉ đào tạo tin cậy, uy tín của người học, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Lãnh đạo trường xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, các cơ quan hữu quan, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác, làm việc tại trường đã đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng và phát triển nhà trường trong suốt chặng đường 50 năm qua. Tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc quyết tâm kế thừa và phát huy truyền thống, tiếp bước các thế hệ đi trước; đoàn kết, sáng tạo, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực và hiệu quả giáo dục đào tạo; nâng cao hơn nữa phẩm chất, năng lực nhà giáo; xây dựng nhà trường ổn định và phát triển bền vững.   

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440693

      Trang web hiện có: 93 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715