TÂM SỰ CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN VỚI NGÔI TRƯỜNG 50 TUỔI

TÂM SỰ CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN VỚI NGÔI TRƯỜNG 50 TUỔI

 

 

                                      Vũ Đức Hạnh

                                  Giám đốc Trung tâm tuyển sinh & QHVDN

 

Kỷ niệm thành lập trường năm nay là một ngày rất đặc biệt của tất cả thế hệ thầy cô và học sinh sinh viên trong trường: tròn 50 năm kể từ lễ kỉ niệm đầu tiên. Năm mươi năm không nhiều nhưng đủ dài để các thế hệ HSSV tôn vinh những hi sinh, nỗ lực của mọi thế hệ giáo viên; để hiểu được có một ngôi trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc như hôm nay là một chặng đường dài, trải qua bao nhiêu thăng trầm, khó khăn.

Năm nay, chẳng rõ, vào đúng ngày kỉ niệm, tiết trời thế nào? Nhiều thế hệ các thầy cô, các cán bộ viên chức, các cựu HSSV trên các nẻo đường đất nước, những người từng một thời gắn bó với những ngày mới thành lập có kịp sắp xếp thời gian để về không? Nhiều học sinh sinh viên sau bao ngày gặp lại, họ bảo tự nhiên họ thấy nao lòng – nao lòng tiếc nuối về một thời học trò đã qua, nao lòng khi nghĩ đến những người đã từng yêu thương, truyền thụ tri thức và bài học cuộc sống cho mình ở trường cũ, nao lòng nhớ những người lái đò thầm lặng. Nao lòng thường làm người ta buồn, buồn man mác. Nhưng rồi cảm xúc ấy cũng qua nhanh như một đêm trở gió, cảm xúc ấy rồi vội tan ra bởi những niềm vui, niềm hân hoan sau bao ngày thầy trò gặp lại, bao nhiêu điều chia sẻ về công việc, cuộc sống, gia đình và con cái.

Tôi đến với nghề sư phạm, trở thành giáo viên là một cơ duyên. Mang theo tâm trạng có chút tò mò, có chút băn khoăn và mang chút hồi hộp. Năm năm học ở trường đại học Nông nghiệp, 6 năm làm ở phòng nông nghiệp huyện, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đến với nghề này, có lẽ là công việc chọn người và tôi đến với nghề “thầy giáo” như định mệnh của số phận. Với hành trang là kiến thức chuyên môn về nông nghiệp và chưa được trang bị gì về nghiệp vụ sư phạm.

Để được đứng trên bục giảng, từ một kỹ sư nông nghiệp trở thành thầy giáo. tôi được học các lớp nghiệp vụ sư phạm, nào là nghiệp vụ sư phạm bậc một, nghiệp vụ sư phạm bậc hai, rồi nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, nghiệp vụ sư phạm giành cho giảng viên…rất nhiều nghiệp vụ khác nữa. Rồi việc dạy học cũng biết bao nhiêu điều vui buồn, nhiều tình huống mà tôi chưa bao giờ được gặp hay được học để biết. Tôi ban đầu mò mẫm, làm theo cái tài, cái tâm và cái đức của mình - một thầy giáo tập sự. Tôi đứng trên giảng đường với một tư thế hoàn toàn khác mang trên vai một sứ mệnh lớn lao. Ngày xưa sinh viên thì tò mò, băn khoăn, phục tùng nhưng tuyệt đối không hồi hộp. Hiện tại tuyệt đối không tò mò, băn khoăn, phục tùng nhưng lại vô cùng hồi hộp. Mỗi lần đón sinh viên mới, tiếp nhận một lớp học mới, tôi hồi hộp vì chẳng rõ mình sẽ gặp những bạn trẻ thế nào? Họ cần gì, muốn gì? Họ mang những tâm tư gì vào lớp học? Mục tiêu họ muốn đạt tới là gì?... Chừng ấy câu hỏi làm tôi - một thầy giáo - phải trăn trở về những gì sẽ làm.

Thời gian gần đây thấy người ta nói về giáo dục nhiều quá, nói về nghề giáo nhiều quá. Nói hay thì mình thấy vui mừng mà những lời nói không hay thì mình thấy ấm ức. Rồi có nhiều người hỏi sao học nông nghiệp không đi làm mà lại đi dạy, họ nói nghề giáo vất vả lắm, lương thấp... Nhưng hàng ngày được lên lớp, được tiếp xúc, được truyền thụ kiến thức, rồi chia sẻ về cuộc sống với HSSV, tôi thấy vui, hạnh phúc. Tôi thấy nghề này phù hợp với mình và nghề này sẽ sống với mình, đúng là cái duyên thực sự rồi. Ngẫm cho cùng thì sự đúng sai, nghèo khổ cũng chỉ là tương đối, có chăng là do cách nhìn nhận của mỗi người mà thôi. Mình nhìn nghề giáo thế nào nhỉ? Nghề giáo có niềm vui, cái niềm vui nghe thật lạ lùng nhưng quả thật sẽ chẳng có niềm vui nào có thể vui hơn thế. Đó là vui về sự khôn lớn, về sự trưởng thành của những thế hệ học trò của mình… vui vì người khác vui.

Và có lẽ điều quan trọng nhất đối với tôi khi mới chập chững bước vào nghề đó là tôi được sống trong một môi trường thuận lợi, một tập thể đoàn kết, hết lòng vì đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm. Cái tâm đắc nhất theo tôi là “lương tâm, trách nhiệm” của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên đối với Học sinh sinh viên. Bản thân họ không chỉ là người dạy, người quản lý mà còn là người phục vụ tận tình, tâm huyết với người học. Để có lương tâm trước hết người thầy phải có “đạo đức, nghề giáo”; như Hồ Chủ tịch căn dặn: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản thì còn làm nổi việc gì”. Cho nên Người thường khích lệ, động viên giáo viên và những cán bộ giáo dục phải bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình cảm tốt đẹp trước hết là tình thương yêu người ruột thịt, yêu bạn bè, đồng chí, yêu cô giáo, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; hình thành ý thức, tổ chức kỷ luật, ý thức tập thể, lối sống thật thà, khiêm tốn, trung thực, giản dị, biết xử sự theo tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Đối với phương pháp giáo dục, Người đã từng căn dặn phải giáo dục bằng tình thương yêu, hiểu biết lẫn nhau và bằng tình đoàn kết gắn bó. Người Thầy phải là người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu chăm sóc giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.          Tôi là thế hệ đi sau, không được nhìn thấy được những ngày đầu thành lập, chỉ được nghe kể qua những thế hệ đi trước, nhưng tôi có thể cảm nhận được một phần nào nỗi khó khăn, thiếu thốn cũng như sự nỗ lực hết sức mình để vượt qua đươc những ngày đầu khó khăn cộng với sự không thuận lợi về con người, khí hậu và thời cuộc. Họ đã trải qua những nốt thăng trầm cùng ngôi trường này, họ đã từng là những người thầy vừa là người tăng gia sản xuất, rồi là người công nhân trong những giai đoạn tưởng một mất một còn. Rồi cùng với sự đoàn kết, sự nỗ lực lớn lao, sự tâm huyết, với sự giúp đỡ của cấp trên, họ đã vực dậy được ngôi trường. Từ ngôi trường có lúc không có học sinh, bây giờ là hàng ngàn học sinh sinh viên, từ trường tiền thân là trường Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phú (1968 – 1987), trường dạy nghề nông nghiệp Vĩnh Phú (1987 – 1997), Trường dạy nghề nông nghiệp Vĩnh Phúc (1997 – 1998), trường Trung học kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc (1998 – 2007), trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc (2008 – nay), tương lai là trường đại học. Nhưng hơn thế nữa, có lẽ là cái thương hiệu mà các thế hệ thầy cô đã tạo ra đươc là những học sinh sinh viên vững vàng kiến thức, tay nghề đáp ứng được công việc của các doanh nghiệp, đáp ứng được sự phát triển không ngừng của KHCN, của xã hội.

Thấm thoắt thời gian đã trôi qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên có người đã nghỉ hưu, có người về trường tóc vẫn còn xanh nay đã điểm bạc. Khi được làm việc với họ tôi cảm nhận đượccác mối quan hệ cá nhân lành mạnh, có tác dụng tạo nên mối quan hệ lành mạnh trong tập thể. Các mối quan hệ cá nhân được xây dựng dựa trên sự hiểu biết, sự thông cảm lẫn nhau và dựa trên những mục tiêu chung của tập thể. Những thầy cô đi trước chính là người giúp tôi hiểu được rằng làm người thầy luôn phải quan tâm “dân chủ - kỷ cương -tình thương - trách nhiệm”. Có thể nói để xây dựng được các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Hiệu trưởng với các giáo viên, nhân viên và giữa các cán bộ giáo viên với nhau cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản: cởi mở, tôn trọng, chân thành, tin tưởng nhau, đối xử công bằng, biết đánh giá, biết sử dụng đúng người đúng việc, biết động viên khuyến khích và khen ngợi người khác đúng lúc và kịp thời. Tuy nhiên cũng cần phải nhận thức được là việc có được các mối quan hệ cá nhân tốt vẫn chưa đủ để tạo ra bầu không khí làm việc tích cực trong nhà trường. Để có được bầu không khí sư phạm lành mạnh, người Hiệu trưởng còn phải xây dựng được các mối quan hệ giữa các tổ chức trong nhà trường, giữa các tổ chức với các cá nhân một cách lành mạnh và ngôi trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc đã làm được điều ấy. Tôi vànhững người kế tục sự nghiệp hôm nay luôn tự khuyên nhủ lòng mình hãy phấn đấu xứng đáng với truyền thống lớp người đi trước để khỏi hổ thẹn với thời gian.

Trên đây là một vài điều tâm sự của bản thân tôi, cũng là cảm nhận của bản thân tôi sau bao năm công tác tại trường. Rất mong các thầy cô, các cán bộ viên chức, HSSV sẻ chia.

DKTS

Cán bộ tư vấn

Mr. Hạnh 0982.790924
Mr. Bình 0989.465017
Mr. Giao 0374.815299
Mr. Bằng 0988.265268
Mr. Hải 0963.892678
Mrs. Thúy 0988.384555
Mr. Thọ 0972 141 081
Mrs. Yến 0982.628428
Mss. Dương 0977.631986
Mss. Phương 0348.671196

Lượt truy cập

1440692

      Trang web hiện có: 83 khách

Liên kết web

banner gdnn  

so lao dongthuong binh va xa hoi tinh vinh phuc 20170715